Tín chỉ CO2 từ rừng cộng đồng

Thứ sáu - 31/03/2023 10:02 289 0
Tín chỉ CO2 (tín chỉ carbon) là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác tương đương. Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới khá sôi động, Việt Nam mới manh nha hình thành, dự kiến năm 2028 vận hành sàn giao dịch.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Phương thức mua bán được hiểu như sau: Một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn thì có thể mua lại 2 tín chỉ từ công ty tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn. Điều này được xác nhận bởi một bên thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Thương mại carbon rừng Việt Nam được hiểu nôm na là việc hấp thụ carbon của rừng có thể mang ra bán, thu tiền về. Việc bán này có thể thực hiện dưới dạng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính, hoặc bán tín chỉ carbon rừng. Nhưng hiện nay ở Việt Nam mới dừng lại ở việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới.
CO2 vốn sẵn có trong tự nhiên và được cây rừng lưu giữ lại, giờ có thể đổi được ra tiền. Nghị định 107 của Chính phủ mới ban hành chính là cơ sở pháp lý để hiện thực hoá điều này. Với giá 5 USD/tấn, dự kiến trong 3 năm tới, 6 địa phương đang thí điểm sẽ thu về 200 tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động lưu giữ carbon. Qua đó sẽ tiếp thêm sinh kế cho những người nông dân đang sống dựa vào rừng. Việt Nam, với lợi thế độ che phủ rừng khoảng 42%, cùng với một công đồng dân cư khá đông đúc sống nhờ rừng thì việc phát triển, hình thành thị trường carbon rừng trên toàn quốc có tiềm năng rất lớn, được nhiều nhà đầu tư trên thế giới chờ đợi.
Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ "dự thảo đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam". Theo lộ trình đề xuất, cùng việc đã bắt tay hoàn thiện hành lang pháp lý, đến năm 2025 Việt Nam bắt đầu thí điểm và từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Sau đó, sẽ ban hành các quy định về kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon các nước.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ ban hành một số thông tư về hướng dẫn dự án theo cơ chế bù trừ tín chỉ carbon trong nước. Đồng thời, bộ sẽ hướng dẫn trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên thị trường carbon trong nước...
Rừng thôn Chênh Vênh do người dân tự nguyện bảo vệ, là cánh rừng tự nhiên đầu tiên tại Việt Nam được nhận chứng chỉ của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế. Từ năm 2017, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, được giao quản lý, bảo vệ cánh rừng tự nhiên 676 ha nằm liền kề với thôn, kéo dài lên đỉnh đèo Sa Mù, có đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua.
Hiện, thôn Chênh Vênh nhận hỗ trợ từ Liên minh châu Âu, Ủy ban Y tế Hà Lan (MCNV) để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Tổ chức này đã giúp cánh rừng thôn Chênh Vênh được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Đây là cánh rừng tự nhiên đầu tiên tại Việt Nam được nhận chứng chỉ của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế.
Khu du lịch cộng đồng Chênh Vênh đã được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) phối hợp với UBND xã công bố chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ CO2 với trữ lượng 350.000 tấn, lượng hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2. Ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng văn phòng Quảng Trị tổ chức MCNV, cho biết với chứng nhận này, 5 cánh rừng tự nhiên có thể tham gia thị trường tự nguyện mua bán tín chỉ CO2. MCNV đang đàm phán với một doanh nghiệp tại Hà Lan để bán tín chỉ CO2 với giá 10 USD mỗi tấn. "Nếu thành công, đây sẽ là câu chuyện rất đặc biệt để nhân rộng", ông Đại nói, cho biết hiện giá bán tín chỉ CO2 trên thế giới dao động từ 5 đến 50 USD mỗi tấn. Việc bán tín chỉ CO2 có thể trở thành mô hình để nhân rộng, giúp người dân có thêm kinh phí bảo vệ rừng.

Tác giả bài viết: Hoàng Yến (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây