GIỚI THIỆU VỀ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH QUẢNG TRỊ

Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (MTDTTNVN) do Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 18/11/1930, từ Hội phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của MTDTTNVN đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) ngày nay. Trải qua chặng đường hơn 84 năm lịch sử vẻ vang, MTDTTNVN không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi bọn thực dân đế quốc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân.

Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, MTDTTNVN đã không ngừng được củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi thời kỳ và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Kế tục truyền thống của Hội phản đế đồng minh (1930-1936) và Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939), Mặt trận Việt Minh đã tập hợp đoàn kết vận động toàn dân tộc vùng dậy làm cách mạng tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (2-9-1945). Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẽ vang là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Từ ngày nước nhà thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên nhân dân tăng cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì dân giàu, nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh.

Ở Quảng Trị, ngay từ những năm 1930-1931, các tổ chức quần chúng như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Phụ nữ liên hiệp hội, Thanh niên cộng sản đoàn được xây dựng và phát triển rộng rãi, thu hút hàng vạn hội viên tham gia. Các phong trào đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống sưu cao, thuế nặng ... diễn ra mạnh mẽ. Tháng 8 năm 1941 Mặt trận Việt minh đã thu hút các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Các tổ chức quần chúng được mở rộng và củng cố.

Tháng 8 năm 1945, Uỷ ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Trị được chính thức thành lập. Phong trào cách mạng phát triển rộng khắp ở các làng xã. Mặt trận đã phát động các phong trào yêu nước thiết thực như: Tăng gia sản xuất, hủ gạo nuôi quân, mẹ chiến sĩ đỡ đầu quân đội, dân công vận tải... Thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa, các Uỷ ban Dân tộc giải phóng được thành lập, Mặt trận đã tập hợp, tổ chức nhân dân kết hợp đấu tranh chính trị với khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, cùng cả nước đưa cách mạnh tháng 8 thành công.

Năm 1950, Đại hội Mặt trận tỉnh được tổ chức tại chiến khu Ba Lòng, Đại hội đã xây dựng chương trình công tác, xác định mục tiêu cụ thể tổ chức và động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện biên Phủ lịch sử. Sau hiệp định Giơ -Ne-Vơ, đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền, Quảng Trị là địa phương bị chia cắt, Vĩnh Linh trở thành khu vực miền Bắc XHCN. Ở Vĩnh Linh Mặt trận Tổ quốc khu vực được thành lập, tiếp tục tập hợp lực lượng quần chúng, phát động phong trào thi đua yêu nước, thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng hậu phương, chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, chi viện đắc lực cho tiền tuyến. Ở miền Nam, trong khí thế đấu tranh cách mạng sục sôi, tháng 7 năm 1961, Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Trị được thành lập, lời hiệu triệu của Mặt trận được tuyên truyền rộng khắp các địa bàn trong tỉnh. Mặt trận tập hợp tổ chức quần chúng đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, chống dồn dân lập ấp, bảo vệ cán bộ. Phong trào xây dựng lực lượng, nuôi dưỡng bộ đội, phong trào đồng khởi phá thế kìm kẹp của địch, phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong những năm đánh Mỹ, Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Trị không ngừng phối hợp với các tổ chức quần chúng, lực lượng vũ trang của tỉnh phấn đấu cho mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thực hiện thống nhất nước nhà, cùng với cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn .

Từ sau năm 1975, MTTQVN tỉnh Quảng Trị (1975-1976), sau này là MTTQVN tỉnh Bình-Trị-Thiên (1976-1989), tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân thông qua các phong trào hành động cách mạng trong lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, tạo sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội trong toàn tỉnh.

Sau khi tỉnh Quảng Trị được tái lập (1/7/1989), dưới sự lãnh đạo của BCH tỉnh Đảng bộ, qua các thời kỳ Đại hội của Mặt trận tỉnh, tổ chức Mặt trận tiếp tục được củng cố và mở rộng đến địa bàn khu dân cư; đội ngũ làm công tác Mặt trận từng bước nâng cao về phẩm chất chính trị và năng lực, trình độ, đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ mới. Nội dung và phương thức hoạt động Mặt trận ngày càng được đổi mới, đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng. Đến nay, hệ thống Mặt trận trong toàn tỉnh có: 10 UBMT huyện, thị xã và Thành phố; 141 UBMT xã, phường, thị trấn và 1144 Ban công tác Mặt trận ở địa bàn khu dân cư, với 34 tổ chức thành viên.

Cùng với truyền thống vẽ vang của Quảng Trị anh hùng, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã góp  phần xứng đáng vào việc phát huy sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước, tạo nên khí thế cách mạng mẽ và rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong từng giai đoạn cách mạng.

Năm 2014, Đại hội MTTQVN các cấp và Đại hội toàn Quốc MTTQVN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019 thành công tốt đẹp, mỡ ra thời kỳ mới của công tác Mặt trận với quyết tâm “Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo vượt qua khó khăn thách thức, giữ vững hòa bình, chủ quyền Quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ Quốc Việt Nam XHCN”. Từ định hướng của Nghị quyết Đại hội, Mặt trận các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch vững mạnh góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp xây dựng CNH-HĐH, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vũng hòa bình, bảo vệ vững chắc tổ Quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và hạnh phúc văn minh.


BIỂU TRƯNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

     vector vietnam mattrantoquocBiểu trưng hình tròn tượng trưng cho khối thống nhất dân tộc chung mục đích xây dựng một nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Nền biểu trưng là lá cờ tổ quốc với sao vàng trên nền đỏ.

Hoa sen trắng cách điệu tượng trưng chohình tượng Hồ chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại, người đã sáng lập ra Mặt trận Dân tộc thống nhất nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những cánh sen liên kết thành một khối chính là sự đoàn kết thống nhất chính trị của tất cả người Việt Nam yêu nước.

Đường ngoài vòng cung cách điệu hai nhánh lúa nâng dòng chữ Mặt trận Tổ quốc.
Phía dưới là nửa bánh xe cách điệu tượng trưng chogiai cấp công nhân, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp cách mạng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây