HIỆU QUẢ CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ TRÊN ĐỊA BÀN XÃ HẢI CHÁNH

Thứ tư - 14/02/2024 01:32 602 0
Hải Chánh là xã nằm về phía Nam của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có ba mặt tiếp giáp với huyện Phong Điền - tỉnh Thừa Thiên Huế, thuộc địa hình bán sơn địa, được bao bọc bởi hai con sông Ô Lâu và Thác Ma. Tổng diện tích tự nhiên 3.839,46 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 3.229,45 ha chiếm 84,11% tổng diện tích. Toàn xã hiện có 1.930 hộ, với 8.967 nhân khẩu, có 03 HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, 05 Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 01 Tổ hợp tác sản xuất chổi đót Văn Phong.
Mô hình Tổ may gia công ở xã Hải Chánh tạo ra thu nhập cao cho lao động tại địa phương. Ảnh: NQ
Mô hình Tổ may gia công ở xã Hải Chánh tạo ra thu nhập cao cho lao động tại địa phương. Ảnh: NQ
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, liên doanh, liên kết chuỗi giá trị, từng bước gắn với sản xuất thông minh, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch”...Muốn thực hiện được mục tiêu đó, trong Nghị quyết đã khẳng định “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, chú trọng liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của Hội đồng quản trị, công tác kiểm tra, giám sát của Ban kiểm soát HTX. Các THT hoạt động theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ”.
Từ chủ trương đường lối của Đảng, sự điều hành của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia HTX và các THT, đồng thời tham gia giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho bà con xã viên. Phát huy lợi thế về độ tuổi lao động trên địa bàn, trong những năm qua đã vận động 2.460 lao động tham gia các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,1% trong đó 28,26% lao động đào tạo có bằng cấp, đây là nguồn để bổ sung vào đội ngũ quản lý, điều hành của các HTX, THT đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn xã. Đây là thành phần kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho bà con xã viên là người trực tiếp lao động, góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội. Kinh tế tập thể được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc và có sự quản lý của nhà nước, các thành viên bình đẳng cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi.
Các mô hình kinh tế tập thể đã phát huy vai trò trong sản xuất nông nghiệp, giúp đỡ, hỗ trợ bà con xã viên như áp dụng cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất và thu hoạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo mùa vụ, tránh lũ sớm. Chủ động trong việc tiếp nhận và phân bổ các loại giống cây trồng vật nuôi, khảo nghiệm và bố trí các loại giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo chất lượng, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm. Đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ, đầu tư xây dựng 07 trạm bơm điện, chủ động trong công tác tưới tiêu cho 844,49/844,49 ha, đạt 100%. Tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đạt trên 80%.
Hiệu quả kinh tế tập thể đã thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, thông qua Hội nghị xã viên hằng năm, bà con được tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, nắm bắt khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi kinh nghiệm… Chỉ trong 02 năm (2022-2023) toàn xã đã xây dựng mới 14 mô hình kinh tế, nâng tổng số mô hình kinh tế hộ gia đình lên 56 mô hình. Từ chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó tỉnh hỗ trợ 140.000.000 đồng, huyện hỗ trợ 39.800.000 đồng, xã hỗ trợ 21.000.000 triệu đồng. Triển khai thực hiện Dự án 3 về giảm nghèo bền vững với tổng số vốn nhà nước hỗ trợ 80 triệu cho 6 hộ nghèo và cận nghèo để phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.
Từ những việc làm trên đến nay xã Hải Chánh đã đạt một số kết quả vượt bậc: Tổng giá trị sản xuất đạt 811,9 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 61,6 triệu đồng. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích 84 triệu đồng/ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt 4.855,5 tấn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,38%; Từng bước xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng một cách đồng bộ nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế ngày một phát triển; Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống.
Có thể khẳng định mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn xã Hải Chánh đã phát huy hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được củng cố, tăng cường. Đến nay cán bộ và Nhân dân xã Hải Chánh đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết kinh tế - xã hội 05 năm (2020-2025) góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025./.


Nguyễn Ngọc Quốc
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Hải Chánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây