30 4

Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước

Thứ tư - 13/03/2024 08:01 50 0
QTO - Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện. Qua đó, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị xác định các chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể đối với từng nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả và tạo sự chuyển biến tích cực ở mỗi cơ quan, đơn vị.
Công trình cầu dân sinh kết hợp đập ngăn mặn trên sông Hiếu phát huy tốt hiệu quả đầu tư - Ảnh: T.A.M
Công trình cầu dân sinh kết hợp đập ngăn mặn trên sông Hiếu phát huy tốt hiệu quả đầu tư - Ảnh: T.A.M

Nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu trong triển khai thực hiện THTK, CLP là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và các tầng lớp nhân dân về công tác này. Các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, kế hoạch thực hiện về THTK, CLP được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để CBCCVC, người dân biết và thực hiện.

Đảng, Nhà nước ban hành rất nhiều nghị quyết, quyết định về THTK, CLP. Thực hiện các nghị quyết, quyết định của trung ương, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về THTK, CLP theo từng năm, từng giai đoạn và THTK, CLP trong từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể, nhất là trong lĩnh vực ngân sách nhà nước (NSNN). Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các doanh nghiệp nhà nước cũng ban hành chương trình THTK, CLP hằng năm của đơn vị, địa phương mình; đồng thời tổ chức quán triệt đến tận CBCCVC và NLĐ.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện các chính sách, định mức, tiêu chuẩn của trung ương và địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về THTK, CLP; các sở, ngành, địa phương, đơn vị, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức trong từng lĩnh vực, cập nhật kịp thời để tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản, tài nguyên của Nhà nước được chặt chẽ, đảm bảo quy định của Luật THTK, CLP.

UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết liên quan đến định mức, tiêu chuẩn, chế độ để tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh; các đề án, nghị quyết ban hành đảm bảo theo quy định của pháp luật và khả năng cân đối của ngân sách. Dự toán được xây dựng và giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh, phù hợp với khả năng ngân sách và nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị; đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức theo quy định, tiết kiệm, hiệu quả.

Để đảm bảo thực hiện tốt công tác THTK, CLP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành điều hành ngân sách bám sát dự toán được giao, bổ sung kịp thời cho ngân sách cấp dưới, đảm bảo đầy đủ nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi, chi tiêu đúng mục đích, đúng quy định của Nhà nước.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các sở, ban ngành, UBND các cấp phải gắn với các biện pháp THTK, CLP, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt phân bổ dự toán; quản lý, sử dụng kiểm soát chi và quyết toán NSNN chặt chẽ.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng kinh phí theo đúng dự toán giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; chủ động rà soát nguồn và nhiệm vụ chi thường xuyên theo dự toán để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, rà soát các khoản chi không có khả năng triển khai thực hiện hoặc còn dư dự toán để thu hồi kinh phí.

Công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua sắm tập trung được thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, tiết kiệm. Công tác tham mưu tổ chức các hoạt động lễ và lễ hội được triển khai đúng định hướng. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, khai thác tốt các nguồn thu hợp pháp, quản lý chặt chẽ các khoản chi, tự cân đối chi tiêu, mua sắm, sửa chữa trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tạo nguồn tiết kiệm để tăng thu nhập cho CBCCVC và NLĐ.

Về THTK, CLP trong quản lý vốn NSNN các chương trình mục tiêu quốc gia, các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về quy định nội dung và mức chi hỗ trợ sử dụng kinh phí sự nghiệp đối với một số nhiệm vụ; chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Công tác lập, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công được thực hiện bảo đảm theo đúng quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương, nghị quyết của HĐND tỉnh; bám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với khả năng cân đối, lồng ghép các nguồn lực đầu tư nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, phương tiện đi lại; việc rà soát, sắp xếp lại tài sản công, tỉnh đã ban hành các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo lập hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác hiệu quả các nguồn lực tài chính từ tài sản công, đất đai.

UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý và kiểm tra hiện trạng nhà, đất, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Hạn chế mua sắm xe ô tô và phương tiện, thiết bị đắt tiền khi chưa thực sự cần thiết. Điều chuyển xe ô tô giữa các cơ quan, đơn vị phù hợp nhu cầu sử dụng và trong tiêu chuẩn, định mức. Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý tài sản công... góp phần cung cấp kịp thời thông tin phục vụ công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục THTK, CLP hiệu quả trong lĩnh vực NSNN, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện tốt các giải pháp như: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong THTK, CLP; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực THTK, CLP.

Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, giảm dần tỉ trọng chi thường xuyên, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển. Tăng cường giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể.

Công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả các dự án. Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra đối với tất cả các khâu trong quy trình đầu tư, đấu thầu, nhất là các dự án đầu tư công. Thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát THTK, CLP. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN phải thực hiện trách nhiệm công khai theo đúng quy định của pháp luật, tập trung thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao theo quy định.

Phát huy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể trong cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về THTK, CLP. Tăng cường vai trò giám sát của người dân trong việc theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư.

Trần Anh Minh

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây