Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Cam Lộ phát triển giàu đẹp

Thứ ba - 06/06/2023 08:49 625 0
QTO - Cách đây 50 năm, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị vinh dự được chọn làm nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam (CMLTCHMN) Việt Nam, biểu tượng cho khát vọng hòa bình, đấu tranh thống nhất nước nhà của Nhân dân miền Nam và cả nước. Không chỉ có vị trí chiến lược nằm trên vùng đất đầu tiên của miền Nam được giải phóng, nối liền với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ chủ nghĩa và vùng giải phóng hạ Lào, việc chọn Cam Lộ làm nơi đặt trụ sở và đưa Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam ra hoạt động công khai để lãnh đạo toàn diện cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn thể hiện niềm tin tưởng tuyệt đối vào lòng yêu nước, tình cảm thủy chung son sắt với cách mạng của người dân nơi đây.
Mùa vàng ở Cam Lộ -Ảnh: N.T.H
Mùa vàng ở Cam Lộ -Ảnh: N.T.H

Như một sự trùng phùng của lịch sử, vùng đất Cam Lộ lần thứ hai được chọn làm “Kinh đô kháng chiến”, tiếp nối truyền thống cách mạng vùng đất vua Hàm Nghi chọn làm nơi phòng bị khi Kinh đô Huế thất thủ và ban Chiếu Cần Vương, khởi phát của phong trào Cần Vương giúp vua đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cam Lộ cũng là nơi ra đời của một trong ba chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh và nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị từ khi có Đảng lãnh đạo. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ luôn đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm tái thiết xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp, văn minh, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 12%; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 60 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,82%; đời sống Nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội đảm bảo, chính trị - xã hội ổn định, QP-AN được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường.

Từ miền quê thuần nông sản xuất nhỏ, manh mún, lạc hậu, đến nay nền nông nghiệp huyện Cam Lộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực lúa, lạc, cao su, hồ tiêu, gỗ rừng trồng, cây dược liệu.

Trong đó, nét nổi bật sản xuất nông nghiệp của huyện Cam Lộ là các cây trồng chủ lực có thế mạnh của địa phương đều liên kết, gắn với các cơ sở chế biến, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm theo chương trình OCOP như: tinh bột sắn, cao su mủ cốm, tinh dầu lạc, ván ghép thanh, viên nén năng lượng, tiêu Cùa, gà Cùa.

Trên địa bàn huyện cũng đã phát triển gần 200 ha cây dược liệu các loại, bước đầu định hình phát triển trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh với các sản phẩm tiêu biểu vươn ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng như: cà gai leo An Xuân, cao dược liệu Định Sơn, tinh bột nghệ Cùa, tinh dầu lạc Super Green, tinh bột sắn dây…

Với lợi thế địa bàn có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Cam Lộ - La Sơn và đang xây dựng cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh, huyện Cam Lộ đã đẩy mạnh phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Địa phương đã tập trung quy hoạch và thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng 3 cụm công nghiệp Cam Hiếu, Cam Thành, Cam Tuyền với tổng diện tích 150 ha, thu hút 43 dự án đầu tư, giải quyết việc làm hơn 1.300 lao động địa phương.

Tỉ trọng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm 72% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Nhiều dự án quy mô lớn như: Nhà máy bia Camel; khu nghỉ dưỡng cao cấp và sân Golf hồ sinh thái Nghĩa Hy; cụm dịch vụ logicstic Cam Hiếu… mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện Cam Lộ trong thời gian tới.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện Cam Lộ đã huy động nguồn lực hơn 3.000 tỉ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp trên 500 tỉ đồng để xây dựng NTM.

Đến nay, Cam Lộ là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và khu vực 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên được công nhận đạt chuẩn huyện NTM (năm 2019) và đang trên đường phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025.

Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở Cam Lộ là hướng đến sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, tạo ra các mô hình KT-XH tiêu biểu, thực chất để phát triển kinh tế nông thôn; lấy thu nhập và sự hài lòng của người dân, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở làm cốt lõi.

Địa phương xác định không huy động quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án có hiệu quả tạo ra các vùng sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân.

Từ đó, người dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Tự hào với truyền thống cách mạng, khát vọng phát triển xây dựng quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Cam Lộ tiếp tục đoàn kết, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử cách mạng để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, vun đắp ước mơ, hoài bão cho thế hệ trẻ cống hiến sức mình xứng đáng với truyền thống cách mạng, công lao các thế hệ cha anh đi trước.

Khánh Ngọc

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây