Cần tăng tốc trong chuyển đổi số

Thứ sáu - 24/02/2023 09:23 126 0
QTO - Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, có nguy cơ tụt hậu xa so với các địa phương khác trong nước. Hơn lúc nào hết, các cấp, ngành, đơn vị liên quan và mỗi người dân cần vào cuộc quyết liệt, tăng tốc, bứt phá để không ì ạch ở tốp sau.
Đoàn viên, thanh niên TP. Đông Hà vận động người dân sử dụng các phần mềm thanh toán trực tuyến -Ảnh: T.L
Đoàn viên, thanh niên TP. Đông Hà vận động người dân sử dụng các phần mềm thanh toán trực tuyến -Ảnh: T.L

Nỗi lo tụt hậu xa

“Nguy cơ tụt hậu xa” là một trong những cụm từ thường được nhắc đến khi so sánh tốc độ chuyển đổi số của tỉnh với các địa phương khác trong cả nước. Nguy cơ vốn được dự đoán từ trước này đã hiện diện cụ thể tại báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố. Theo đó, Quảng Trị xếp vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chỉ số DTI. Đáng quan ngại là nhiều chỉ số của tỉnh đứng ở vị trí cuối hoặc gần cuối bảng xếp hạng như: nhận thức số, nhân lực số, xã hội số...

So với các địa phương khác trên toàn quốc, Quảng Trị được xem là tỉnh “đi sau” trong chuyển đổi số. Những năm gần đây, cụm từ “chuyển đổi số” mới được cán bộ, người dân trong tỉnh nhắc đến nhiều. Không chỉ “đi sau”, việc chuyển đổi số của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn về cả khách quan lẫn chủ quan. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, tăng tốc, bứt phá thì hoạt động chuyển đổi số của tỉnh khó có thể theo kịp các địa phương khác.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Tường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan và người dân trên địa bàn đã có những nỗ lực chuyển đổi số. Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn được đầu tư tương đối tốt.

Tỉnh đã quan tâm đến việc phát triển chính quyền số. Các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước từng bước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh hiện đã kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã cung cấp 1.126 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Trong những nỗ lực chuyển đổi số, đáng chú ý là tỉnh đã tập trung thu hẹp khoảng cách số bằng cách phát triển xã hội số. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang hiện bao phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã trong tỉnh. Dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh từng bước được phát triển. Tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán ước đạt trên 65%.

Những nỗ lực trên đã góp phần mang lại chuyển biến trong công tác chuyển đổi số. Trong các chỉ số DTI của tỉnh, hạ tầng số xếp vị trí thứ 19; thể chế số xếp vị trí thứ 23; chính quyền số xếp vị trí thứ 38…

Dù chưa cao nhưng những chỉ số này đã phần nào khẳng định, nỗ lực vào cuộc sẽ tương ứng với kết quả gặt hái được. Tuy nhiên, đây chỉ là mảng sáng trong bức tranh chuyển đổi số còn nhiều vấn đề đáng bàn. So với nhiều địa phương trong cả nước, hoạt động chuyển đổi số tại Quảng Trị vẫn chưa được đánh giá cao.

Mấu chốt là ở giải pháp toàn diện

Dù có những chuyển biến nhưng hoạt động chuyển đổi số trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vai trò động lực và tiềm năng to lớn của chuyển đổi số chưa được các cấp, ngành, đơn vị liên quan và người dân trên địa bàn phát huy mạnh mẽ. Việc phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số chưa được chuẩn bị kịp thời cả về số lượng và chất lượng. Đầu tư cho chuyển đổi số chưa đạt mức cần thiết.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “nguy cơ tụt hậu xa” trong hoạt động chuyển đổi số của tỉnh. Trước tiên, nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của chuyển đổi số chưa thực sự đầy đủ. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được thực hiện một cách triệt để.

Sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong phát triển công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số chưa được mạnh mẽ. Việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được các sở, ban, ngành quan tâm triển khai. Các phần mềm thương mại không có bản quyền vẫn đang được cán bộ, người dân sử dụng một cách khá phổ biến, dễ gây nguy cơ mất an toàn thông tin.

Khó khăn về kinh phí phục vụ cho công tác chuyển đổi số cũng là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số DTI của tỉnh thấp. Trong các kiến nghị, đề xuất gửi UBND tỉnh liên quan đến công tác chuyển đổi số, vừa qua, một số thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã đề nghị ưu tiên bố trí đủ kinh phí triển khai quyết định về việc phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, thực ra, việc thiếu kinh phí chỉ là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số DTI của tỉnh thấp. Qua theo dõi bảng xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Thanh đã chỉ rõ ở một số chỉ tiêu DTI không cần quá nhiều sự đầu tư về kinh phí nhưng Quảng Trị vẫn về cuối hoặc áp cuối. “Bên cạnh ưu tiên bố trí kinh phí, chúng ta cần nhiều giải pháp khác để thúc đẩy chuyển đổi số”, bà Thanh khẳng định.

Đánh giá về hoạt động chuyển đổi số của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khẳng định, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng công tác này vẫn còn những vấn đề đáng bàn.

Để không bị tụt hậu so với các địa phương khác trong cả nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải có quyết tâm rất cao, trong đó cần phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của người đứng đầu.

Cùng với đó, việc cần làm ngay, làm tốt hơn nữa là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; phân công các ngành phụ trách và chịu trách nhiệm về tiêu chí chuyển đổi số liên quan; nỗ lực cải thiện, nâng cao các chỉ số chuyển đổi số thấp, đi liền với giữ vững, phát triển các chỉ số cao; tập trung nâng cao tỉ trọng kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; có phương pháp, cách làm phù hợp để huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động chuyển đổi số…

“Việc chuyển đổi số phải được thực hiện một cách bài bản hơn, trọng tâm, trọng điểm, thực chất hơn… Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, làm động lực của chuyển đổi số”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh.

Với xuất phát điểm thấp và khởi đầu chưa thực sự như kỳ vọng, thời gian tới, dự kiến những thử thách đặt ra trong hoạt động chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn nhiều. Vì thế, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đơn vị liên quan và mỗi người dân là hết sức cần thiết.

Để vượt mọi rào cản và tăng tốc nhanh, lãnh đạo tỉnh cần có những chỉ đạo cụ thể, đưa ra các giải pháp toàn diện để cải thiện từng chỉ số DTI. Trong đó, việc cần làm là gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương với mảng, lĩnh vực chuyển đổi số liên quan. Đây là hướng đi để tỉnh Quảng Trị tránh được nguy cơ tụt hậu xa, theo kịp các địa phương bạn trên bước đường chuyển đổi số.

Tây Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây