Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để Luật Đất đai 2024 sớm đi vào cuộc sống

Thứ hai - 11/03/2024 09:18 2.848 0
QTO - Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 - gọi tắt là Luật Đất đai 2024 - được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào ngày 18/1/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc thông qua Luật Đất đai 2024 cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đang chuẩn bị các điều kiện đảm bảo ban hành các văn bản quy định chi tiết.

Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương và 260 điều, có nhiều điểm mới, như cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; quy định những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT - XH vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đối với việc thu hồi đất, phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi; khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi.

Luật Đất đai 2024 đã bãi bỏ quy định về khung giá đất. Bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố, áp dụng từ ngày 1/1/2026 và được điều chỉnh từ ngày 1 tháng 1 của năm tiếp theo. Luật cũng đã bổ sung Chương VIII về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; quy định quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất...

Việc thông qua Luật Đất đai 2024 cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.

Luật Đất đai 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các bộ hướng dẫn thi hành. Để Luật Đất đai 2024 sớm đi vào cuộc sống, các văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của luật. Đó là Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Quy định về giá đất; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về điều tra cơ bản đất đai; Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai... để lấy ý kiến các địa phương.

UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu và có lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh, thành phố; trong đó, quan trọng nhất là phải tổ chức xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương để đến ngày 1/1/2025 khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực thì phải có sự đồng bộ giữa nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành và quy định của UBND tỉnh, thành phố, đảm bảo thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện luật.

Cần bám sát các quy định, đặc biệt là những quy định mới, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện khi luật có hiệu lực. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức phổ biến Luật Đất đai 2024 rộng rãi trong Nhân dân, sớm đưa luật vào cuộc sống nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH.

Tóm lại, Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai...

Do đó sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả.

Minh Phương

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây