Nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ sáu - 24/02/2023 09:22 134 0
QTO - Những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được UBND tỉnh quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, tạo niềm tin trong Nhân dân. Tuy nhiên, thực tế số lượng công dân có đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo vượt cấp và đông người đến Ban Tiếp công dân tỉnh ngày càng nhiều, tạo áp lực cho các cấp chính quyền. Để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân, cần có những giải pháp mang tính khả thi cao nhằm nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Một phiên tiếp công dân định kỳ tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh -Ảnh: L.M
Một phiên tiếp công dân định kỳ tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh -Ảnh: L.M

Năm 2022, toàn tỉnh có 419 lượt/622 công dân liên quan đến 136 vụ được lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh, trong đó kiến nghị đông người (từ 5 người trở lên) có 18 trường hợp liên quan đến 8 vụ việc.

Lĩnh vực kiến nghị, khiếu nại tập trung ở lĩnh vực đất đai chiếm 77,88%; liên quan đến chế độ chính sách chiếm 5,88%; liên quan đến hoạt động tư pháp chiếm 2,94%; còn lại là các lĩnh vực khác.

Điều đáng nói là có 105 vụ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch, UBND huyện, thị xã, thành phố chiếm 77,2%, trong khi đó thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ có 16 vụ, chiếm 11,76%, còn lại là thẩm quyền của các sở, ngành và các cơ quan khác.

Nguyên nhân dẫn đến số lượng công dân đến kiến nghị, phản ánh tại Ban Tiếp công dân tỉnh ngày càng nhiều là do việc tiếp công dân ở cấp cơ sở chưa được quan tâm. Điều này được thể hiện tại các phiên tiếp công dân của lãnh đạo UBND tỉnh, một số lãnh đạo UBND cấp huyện nhiều lần không tham dự để giải trình những vấn đề mà công dân kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của địa phương.

Đồng thời, cử người tham gia tiếp công dân tại cơ sở không đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật trong giải quyết kiến nghị của công dân đôi khi còn cứng nhắc, tùy tiện, cá biệt có trường hợp áp dụng không đúng pháp luật dẫn đến mất lòng tin trong Nhân dân như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong; việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Dục, ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh; việc giải quyết kiến nghị của 4 hộ dân ở thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng…

Có nhiều trường hợp cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương đùn đẩy, né tránh trách nhiệm dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết cho công dân. Trong năm 2022, UBND tỉnh ban hành 12 thông báo, kết luận về tiếp công dân định kỳ và 295 công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra, xác minh, giải quyết, trả lời cho công dân theo quy định của pháp luật nhưng nhiều vụ việc vẫn kéo dài thời gian giải quyết như trường hợp của ông Hoàng Văn Huyến, ở Khu phố 10, Phường 5, TP. Đông Hà; bà Lê Thị Kiều ở thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong…

Ngoài ra, có nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng công dân không đồng ý với quyết định giải quyết, tiếp tục khiếu nại lần hai lên cấp trên và đã được Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng khi tổ chức thực hiện quyết định giải quyết đã có hiệu lực thì các địa phương và người khiếu nại chưa phối hợp chặt chẽ để thực hiện dứt điểm nội dung kết luận và công dân lại tiếp tục kiến nghị kéo dài.

Từ thực trạng trên, cần có những giải pháp mang tính khả thi cao trong công tác tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Trước hết, cần xác định công tác tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Trong đó, cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của trung ương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân.

Để nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cần thay đổi hình thức, phương pháp. Theo đó, cần áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này bằng cách lập trang web để người dân tiếp cận, đăng ký lịch tiếp với người có thẩm quyền, đồng thời theo dõi quá trình giải quyết các kiến nghị của mình, tránh tình trạng chưa đến thời gian hoàn thành giải quyết, công dân tiếp tục kiến nghị tạo áp lực cho các cấp chính quyền.

Bên cạnh đó, để cơ quan cấp trên theo dõi quá trình tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị của các cơ quan chuyên môn, địa phương thuộc thẩm quyền, làm căn cứ xác định trách nhiệm công vụ.

Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở phải củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân. Thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp dân.

Khi xảy ra khiếu kiện đông người thì các cơ quan nhà nước phải tăng cường sự phối hợp để tiếp dân và vận động công dân trở về địa phương, đồng thời, có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để kéo dài, tái khiếu kiện. Chấp hành nghiêm túc, đúng pháp luật các chỉ đạo của cấp trên trong xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phải xem công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một khâu quan trọng của công tác quản lý nhằm biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực, đi vào cuộc sống.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đến từng người dân nhằm giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân; các hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Có như vậy, việc tiếp dân và giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo mới đúng chủ trương, quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và công dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây