Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng sát thực tiễn, tháo gỡ những bất cập

Thứ sáu - 31/03/2023 08:47 235 0
Sau khoảng 1,5 tháng tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc tổ chức lấy ý kiến đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp triển khai đúng mục đích, yêu cầu bằng nhiều hình thức, bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả và chất lượng.
Luật Đất đai được sửa đổi gắn với thực tiễn sẽ giải quyết được nhiều bất cập về lĩnh vực đất đai. Ảnh: Quang Vinh.
Luật Đất đai được sửa đổi gắn với thực tiễn sẽ giải quyết được nhiều bất cập về lĩnh vực đất đai. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam, đất đai liên quan đến mọi người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đất nước. Với tính chất cấp bách và quan trọng đó, Quốc hội sẽ đặc biệt quan tâm đến những ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo Luật.

“Những ý kiến đóng góp của nhân dân cần được xem xét một cách chi tiết, cụ thể. Nếu không tán thành với ý kiến nào thì cần có câu trả lời cụ thể cho người dân để dân tin rằng ý kiến của mình đã được lắng nghe và tiếp thu” - ông Nguyễn Túc mong muốn.

TS. Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cách làm hoàn toàn đúng đắn, công khai giúp cho mọi công dân góp ý vào những vấn đề liên quan đến mọi người dân. Lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến là hai việc khác nhau. Ý kiến có nhiều, đa dạng nhưng tiếp thu thế nào để được nghiêm túc, trọn vẹn lại là một bài toán khó.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức bằng nhiều hình thức. Ở Trung ương, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Mặt trận. Báo Đại Đoàn Kết và Tạp chí Mặt trận cũng thường xuyên đăng tải những bài viết về công tác triển khai, kết quả lấy ý kiến nhân dân của Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp.

Theo thống kê, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các ý kiến của toàn bộ dự thảo. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân.

Trong đó, tất cả các Hội đồng tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam đều tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phân chia thành từng nội dung cụ thể, đặt bài cho các Hội đồng tư vấn liên quan đến lĩnh vực chuyên sâu của các Hội đồng để các Hội đồng phân công các thành viên tập trung nghiên cứu. Từ đó, những ý kiến phát biểu, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật được UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp theo từng nội dung cụ thể, sát với tình hình thực tiễn.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, các Ủy viên Hội đồng tư vấn rất nhiệt huyết, quan tâm đến việc sửa đổi Luật lần này. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong các Hội đồng, khi Luật Đất đai được ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn và quá trình phát triển của đất nước, sẽ tạo động lực để quản lý, khai thác tài nguyên và phục vụ cho quá trình phát triển đất nước theo định hướng XHCN như quan điểm Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

Chính vì vậy, các hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các Hội đồng tư vấn được tổ chức công phu, chất lượng. Các ý kiến thảo luận, góp ý tại hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm của các Ủy viên Hội đồng tư vấn đối với dự thảo Luật mang tính quan trọng này. Sự quan tâm của các Ủy viên Hội đồng tư vấn cũng thể hiện cho việc đem tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của người dân đến với MTTQ Việt Nam, phản ánh với Mặt trận để mong muốn đóng góp vào dự thảo Luật, làm sao để khi ban hành, Luật Đất đai thực sự phải đi vào cuộc sống, sát với thực tiễn, tháo gỡ được những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay trong lĩnh vực đất đai.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, có ý nghĩa quan trọng khi thể hiện trách nhiệm của Mặt trận trong tham gia xây dựng pháp luật; đồng thời thể hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tổng hợp các ý kiến, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân gửi gắm đến Quốc hội để ban hành đạo luật này. “Sau khi kết thúc việc tổ chức góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn để tổng hợp các ý kiến của các tầng lớp nhân dân thông qua các hội nghị từ Trung ương đến địa phương, với tinh thần không bỏ sót bất cứ ý kiến nào tham gia đóng góp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, thể hiện rõ ở từng chương, từng điều của dự thảo Luật” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: TIẾN ĐẠT

Nguồn tin: daidoanket.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây