30 4

Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái ở miền Tây Gio Linh

Thứ năm - 28/03/2019 08:09 747 0
Cùng với hệ thống di tích lịch sử- văn hóa độc đáo như đồi Cồn Tiên, di tích Binh đoàn 559, chùa Long Phước, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn... miền Tây Gio Linh còn có hệ thống di tích giếng cổ đặc sắc, những vườn cao su, thảm ruộng rau liệt xanh tốt…chính là tiềm năng, lợi thế để huyện Gio Linh phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.
Nguồn nước mát lành từ giếng cổ Gio An
Nguồn nước mát lành từ giếng cổ Gio An

Những năm gần đây, miền Tây Gio Linh được nhắc đến trong “bản đồ du lịch” Quảng Trị bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những thảm rau liệt trồng trên đá và hệ thống giếng cổ… có sức thu hút đối với du khách gần xa. Từ những lợi thế đặc trưng đó, một số địa phương như các xã Gio An, Gio Bình đã bước đầu xây dựng mô hình du lịch sinh thái để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó phải kể đến hệ thống giếng cổ Gio An gồm 14 giếng đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và được đầu tư, tôn tạo nhằm phát huy những giá trị của di tích. Nét độc đáo của hệ thống giếng cổ là nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ ba dan, được tạo thành nhờ kĩ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đất. Từ xa xưa cho đến nay, dù thời tiết khô hạn đến mấy nhưng mạch nước ngầm trong giếng cổ vẫn tuôn chảy trong xanh và mát lành. Các giếng cổ chính là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân xã Gio An. Vì thế có thể khẳng định hệ thống giếng cổ ở Gio An đã mang lại những giá trị tinh thần vô cùng to lớn trong đời sống dân sinh. Đặc biệt khi người dân bắt đầu nghĩ đến việc khai thác du lịch từ hệ thống giếng cổ cùng nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương, mở ra một ngành nghề mới đem lại nguồn thu nhập cho người dân.

 

Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết: “Nhận thấy được giá trị to lớn của hệ thống di tích giếng cổ nên huyện đã huy động từ nhiều nguồn đầu tư gần 1,5 tỉ đồng để tu sửa 4 giếng nhằm phục vụ cho việc khai thác du lịch cộng đồng. Đặc biệt, huyện đã chọn thôn An Nha, xã Gio An là thôn đầu tiên của huyện để phát triển du lịch cộng đồng, sau đó nhân rộng mô hình này ra các thôn có tiềm năng khác như: Hảo Sơn, An Hướng, Gia Bình... Một khi tour du lịch giếng cổ hình thành sẽ bổ sung vào chuỗi du lịch gồm: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn-Giếng cổ Gio An-Biển Cửa Việt và Di tích Đôi bờ Hiền LươngBến Hải. Đây có thể coi là tuyến du lịch mũi nhọn rất được kì vọng, qua đó sẽ thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển xứng tầm với giá trị của di tích lịch sử-văn hóa độc đáo của vùng đất này”.

 

Tuy nhiên một khó khăn hiện nay là hệ thống giao thông dẫn đến các giếng cổ vẫn chưa được hoàn thiện; các loại hình dịch vụ đi kèm sản phẩm du lịch hầu như chưa có gì; kĩ năng làm du lịch của người dân địa phương còn hạn chế. Công tác quảng bá về tiềm năng, sức hấp dẫn, lôi cuốn của tour du lịch cộng đồng ở miền Tây Gio linh chưa tương xứng nên chưa thu hút được đông đảo du khách. Vì vậy, để có được sản phẩm du lịch hoàn thiện, trong những năm tới ngoài việc tập trung đầu tư tôn tạo hệ thống giếng cổ, huyện Gio Linh phải từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương như rau cải, rau liệt, gà đồi, tinh bột nghệ, hồ tiêu...Trong Đề án phát triển thương mại-dịch vụ huyện Gio Linh đến năm 2025, huyện đã chú trọng khôi phục và phát triển các sản phẩm ẩm thực tại xã Gio An và miền Tây Gio Linh như rau liệt, gà đồi… nhằm phát triển các dịch vụ đi kèm sản phẩm du lịch. Trong đó, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là người lao động ở các khu du lịch.

 

Trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng cần mở các lớp đào tạo cho người dân sống gần các khu di tích để họ có thể giới thiệu cho du khách; đảm nhận được vai trò chủ thể trong quá trình phát triển và khai thác tiềm năng du lịch tại địa phương nhằm tạo thêm thu nhập và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Để tránh được tình trạng khai thác du lịch một cách tự phát, mạnh ai nấy làm dễ tạo ra “phát triển nóng”, cạnh tranh thiếu lành mạnh, huyện Gio Linh cần có những định hướng cụ thể cho chính quyền và người dân địa phương xây dựng các loại hình du lịch, chú trọng đến quy mô, phạm vi và sản phẩm du lịch đặc trưng. Đặc biệt là quan tâm xây dựng mô hình du lịch sinh thái giúp du khách được hòa mình, trải nghiệm chân thực đời sống sinh hoạt, văn hóa của địa phương, từ đó giúp cho du khách có những trải nghiệm thực tế về ẩm thực, văn hóa của người dân bản địa. Có như vậy thì việc khai thác tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng mới phát triển bền vững.

 

Bên cạnh tiềm năng du lịch của huyện như khu du lịch biển thì du lịch miền Tây Gio Linh có một vị trí quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch của huyện. Ngoài hệ thống giếng cổ và các di tích lịch sử cách mạng, miền Tây Gio Linh còn nhiều địa điểm độc đáo có thể kết nối tour, tuyến phát triển du lịch. Vì vậy, huyện Gio Linh quyết tâm phát triển du lịch sinh thái ở miền Tây trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong những năm tới.

 

Tân Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây