30 4

Ký ức Khe Sanh

Thứ ba - 03/07/2018 14:50 737 0
(QT) - Với những cựu chiến binh mang họ Bác Hồ từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh năm xưa, ký ức một thời lửa đạn dường như vẫn vẹn nguyên…
Ông Hồ Mơ chăm sóc vườn cây gia đình
Ông Hồ Mơ chăm sóc vườn cây gia đình
Chuyện ở thung lũng Xa Lau

Vượt qua nhiều cây số đường đất khá hiểm trở, chúng tôi mới đến được căn nhà sàn đơn sơ của cựu chiến binh Hồ Mơ (80 tuổi) nằm ở thung lũng Xa Lau, thuộc thôn Prin C, xã A Dơi. Đây là thung lũng khá biệt lập, nơi chỉ có gia đình ông Mơ gắn bó hơn 30 năm qua. Ông Mơ kể, năm 18 tuổi ông bắt đầu tham gia cách mạng, được biên chế vào Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, trực tiếp gùi cõng lương thực, vũ khí phục vụ bộ đội ta chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên. “Hồi ấy đơn vị của bố tham gia gùi cõng hàng hóa, vũ khí từ điểm tiếp nhận ở Vĩnh Linh ngày đêm đi bộ xuyên rừng để tiếp tế cho bộ đội ta đánh mặt trận Trị Thiên. Giai đoạn gian khổ và ác liệt nhất là phục vụ những trận đánh ở cứ điểm Làng Vây, sân bay Tà Cơn… Thời điểm ấy việc vận chuyển phải được duy trì liên tục, đảm bảo thông suốt để ta tập trung đầy đủ lương thực, khí tài thực hiện nhiệm vụ tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Bố đã tham gia hàng trăm chuyến gùi cõng như thế”, ông Mơ nhớ lại.

 

Sau khi chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh giành thắng lợi, huyện Hướng Hóa được giải phóng, ông Mơ tiếp tục cùng đơn vị tiến vào chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế. Ông được giao làm Tiểu đoàn trưởng chỉ huy các đơn vị như K54, K200 tham gia luồn đánh cứ điểm sân bay A Sao- A Sáp. Trong một trận chiến đấu đầu năm 1969 ở cứ điểm sân bay A Sao- A Sáp, ông bị mảnh bom cưa đứt chân phải… Sau đó, ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng ở Đoàn 581, thuộc Quân khu 3. Đến năm 1980 ông trở lại quê hương A Dơi, lấy vợ và xây dựng cuộc sống. Cuộc sống những năm đầu hết sức vất vả, nhất là khi những đứa con lần lượt ra đời. Khoảng năm 1990, ông xin được khai hoang khu vực Xa Lau, là một thung lũng nằm cách xa trung tâm xã khoảng 5 km, vốn không có đường vào. Miệt mài nhiều tháng trời ông mới mở được con đường vào Xa Lau rồi dựng nhà, bắt đầu làm nương rẫy, trồng lúa nước. Cuộc sống vất vả lần hồi trôi qua, vợ chồng ông và đàn con nhỏ đã vượt qua đói nghèo. Đến năm 2005, gia đình Hồ Mơ đã trở thành một trong những điển hình về làm kinh tế của xã. Gia đình ông sở hữu 5 sào ruộng nước, 6 ha bời lời, 50 con trâu bò, 2,5 ha cao su… Giai đoạn từ năm 2005 đến 2015, bình quân mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập từ 250-300 triệu đồng. Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Mơ còn có tấm lòng nhân hậu hiếm có khi nhận nuôi hơn 10 đứa trẻ mồ côi, hoặc có hoàn cảnh quá khó khăn trong thôn, xã và cả ở các bản biên giới Việt - Lào tiếp giáp với xã A Dơi. Những đứa trẻ được gia đình ông nuôi nấng, cho ăn học đến nay phần lớn đã trưởng thành, có cuộc sống riêng ổn định. Không chỉ vậy, khoảng thời gian gắn bó với thung lũng Xa Lau, ông cũng đã tự nguyện bảo vệ cánh rừng tự nhiên rộng 54,3 ha xung quanh, đã hạn chế tối đa sự phá hoại của lâm tặc, của những người săn bắn thú trái phép… “Hiện bố đang làm căn nhà ở ngoài trung tâm xã để chuẩn bị ra ở, vì bây giờ bố cũng không còn khỏe mạnh như trước để bám trụ mãi ở đây. Tuy vậy, lúc nào đôi chân còn đi lại được bố vẫn tiếp tục ra vào để góp sức bảo vệ rừng, dạy bảo con cháu nối nghiệp làm ăn ở thung lũng Xa Lau ”, ông Mơ tâm tình.

 

“Bảo vật” của ông Xang

 

Ông Hồ Văn Xang cùng chiếc nỏ gắn bó với ông từ thời tham gia chiến đấu

 

Nâng niu chiếc nỏ, vốn được ông xem như “bảo vật” của cuộc đời mình, cựu chiến binh Hồ Văn Xang ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh bồi hồi khi nhắc lại một thời tham gia chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh.

 

Ông tâm sự, chiếc nỏ là một trong những tài sản quý giá được ông gìn giữ suốt 50 năm qua, kể từ ngày làm nên chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa. Chiếc nỏ được chính tay ông làm khoảng những năm 1960, khi còn hoạt động cách mạng bí mật khắp các vùng rừng núi ở Quảng Trị. Tuy đơn sơ, giản dị nhưng chiếc nỏ đã theo ông đánh Mỹ cứu nước qua các chiến dịch ác liệt tại Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh và nhiều trận đánh khác... Mỗi khi ngắm nhìn chiếc nỏ, những ký ức hào hùng, bi tráng nhất của đời lính lại trở về trong ông. “Đây là chiếc nỏ được bố dùng để bảo vệ bản thân trong những năm tháng còn hoạt động cách mạng bí mật. Khi có bộ đội chủ lực lên đây, chiếc nỏ lại được bố dùng để bảo vệ cách mạng, bản làng, bảo vệ mùa màng để tiếp tế cho bộ đội...”, ông Xang nói.

 

Năm 1963, ông Xang chính thức gia nhập bộ đội địa phương. Sau nhiều năm trực tiếp chiến đấu, ông được cấp trên tin tưởng giao chức vụ Đại đội trưởng, trực tiếp chỉ huy 140 quân tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968. Trước và sau chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, ông Xang và đồng đội đã chiến đấu trên 100 trận lớn nhỏ, phối hợp bộ đội chủ lực làm nên những chiến thắng vang dội, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ông vẫn nhớ như in nhiều trận đánh mà ông và đồng đội suýt chết trong gang tấc. “Có nhiều trận, bố và đồng đội bị máy bay địch phát hiện. Chúng rà súng máy từ trên máy bay quyết tiêu diệt. Mình vừa chạy vừa ẩn nấp, rồi cố gắng chống trả. Nghĩ đằng nào cũng hy sinh nhưng quyết tâm phải bắn hạ được vài tên trước khi chết… nhưng may mắn sau đó lại thoát chết. Bố cũng không nhớ mình đã thoát chết bao nhiêu lần tương tự. Chiến tranh mà, lúc đó ai nghĩ đến chuyện sống chết ra sao. Cứ còn sống là còn chiến đấu thôi…”, ông Xang tâm sự.

 

Quê hương giải phóng, phát huy truyền thống người lính cụ Hồ năm xưa, cựu chiến binh Hồ Văn Xang lại trở thành lá cờ đầu trong phát triển kinh tế cùng góp sức xây dựng bản làng, quê hương. Ông cũng là người cựu chiến binh gương mẫu, nêu gương sáng trong các phong trào của địa phương, tích cực giáo dục con cháu, tiếp tục truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ tại địa phương…

 

Nhớ một thời hào hùng

 

Bà Hồ Kăn Chòong

 

Năm nay 73 tuổi nhưng bà Hồ Kăn Chòong ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh vẫn nhớ như in một thời bà tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh năm xưa. Từ miền quê xã Đông Sơn (huyện A Lưới, Thừa Thiên- Huế) từ năm 1959 bà Chòong tham gia bộ đội, được biên chế vào Đoàn Bắc Sơn, thuộc Quân khu 4, làm nhiệm vụ gùi cõng súng đạn, lương thực, thuốc men phục vụ chiến trường Trị Thiên. Trong thời gian đó, bà cũng đã được đào tạo trở thành y sĩ để tham gia cứu thương bộ đội ta. Tuổi thanh xuân của bà gắn liền với nhiều địa điểm ác liệt trên tuyến đường vận tải ở đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, từ tiếp giáp Quảng Bình vào đến Thừa Thiên-Huế… “Hồi ấy, mẹ và các đồng chí, đồng đội không hiểu sao sức khỏe phi thường lắm. Ăn uống chủ yếu cháo loãng, rau rừng nhưng mỗi lần gùi cõng là cứ nữ từ 50-60 kg, nam từ 90-100 kg trên lưng. Mà toàn đi đường rừng, cứ luồn dây bám dốc mà đi. Không đi được đường mòn thì cứ vừa phạt rừng vừa tiến. Gặp những hẻm suối sâu thì bám cầu treo lần qua… Mỗi chuyến gùi cõng phải vượt hàng chục cây số như thế. Nói chung khó có thể diễn tả hết sự gian khổ, hiểm nguy thời điểm đó. Chỉ biết rằng ai cũng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và lòng chỉ mong quê hương sớm giải phóng”, bà Chòong cho biết.

 

Có một chuyến vận chuyển mà bà Chòong nhớ mãi, đó là vào những ngày cận kề trước cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. “Khi không còn bao xa nữa là đến điểm tập kết, lúc ấy đoàn gùi cõng của mẹ có 26 người, nhưng chỉ mang theo 2 khẩu súng. Lúc đang băng qua rẫy của một người dân ở gần cứ điểm Làng Vây thì bất ngờ có một toán biệt kích địch xuất hiện. Người đang làm rẫy phát hiện địch và ngầm báo với đoàn của mẹ, rồi chỉ dẫn lối thoát. Cuộc ấy nếu đoàn của mẹ mà đụng độ giáp mặt với địch thì khả năng thất bại rất cao. Có nhiều đợt đoàn của mẹ bị phục kích, trúng bom và cũng đã có nhiều đồng chí hy sinh nhưng chẳng có ai chùn bước”, bà Chòong nhớ lại. Sau ngày đất nước giải phóng, bà lấy chồng ở Khe Sanh và lần lượt sinh 4 người con gồm 3 trai, 1 gái. Năm 1982, trong lúc làm nương rẫy, chồng bà trúng bom chết. Bà ở vậy một mình làm lụng nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Giờ đây, các con của bà đều đã lập gia đình riêng và sinh hạ cho bà 10 đứa cháu khỏe mạnh, chăm chỉ học hành. “Bây giờ thì mẹ cảm thấy mãn nguyện lắm khi chứng kiến đất nước hòa bình, quê hương ngày càng khởi sắc và các con có cuộc sống ổn định, các cháu được đến trường”, bà Chòong bộc bạch.

 

Tác giả bài viết: Hiếu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây