30 4

Nghĩ về thơ, văn Bác Hồ gửi thiếu niên, nhi đồng

Thứ hai - 24/09/2018 07:05 3.241 0
(QT) - Cuộc đời hoạt động vì dân, vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ngời sáng những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả mà một trong những biểu hiện toàn vẹn nhất là mối quan tâm, chăm sóc của Người đối với thiếu niên, nhi đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ thường nhắc đến thiếu nhi trong các bài viết, bài nói và các tác phẩm văn học, thơ ca của mình. Với thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng quý trọng, tin tưởng và đưa các em, các cháu vào những trang thơ, trang văn thấm đẫm muôn vàn tình thương yêu.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi  Ảnh  TL
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Ảnh TL

Vào mỗi dịp khai trường và Trung thu hằng năm, niềm vui của thiếu nhi Việt Nam được nhân lên gấp nhiều lần khi nhận được thư và thơ, bánh kẹo của Bác Hồ. Lá thư nào của Bác cũng chan chứa lòng thương yêu sâu sắc và sự tin tưởng, khẳng định các em sẽ trở thành “những người công dân có ích cho nước Việt Nam” bằng chính nền giáo dục “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trìu mến viết: Các cháu hãy nghe lời Bác, lời của một người lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các cháu được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các cháu hãy cố gắng siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, đua bạn... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu. Viết thư gửi thiếu nhi cả nước vào dịp Trung thu năm 1945, Bác Hồ mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do. Từ ngày ấy, việc học hành, rèn luyện của thiếu niên, nhi đồng được đúc kết trong Năm điều Bác Hồ dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

 

Thư và thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng thiếu niên, nhi đồng cả nước vào mỗi dịp Tết Trung thu chứa chan sự động viên, cổ vũ và tình thương yêu. Năm 1951, Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được mở đầu bằng những dòng thân ái: Các cháu yêu quý, Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ thương... Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới, các cháu đoàn kết thì thế giới hòa bình và dân chủ, sẽ không có chiến tranh. Trung thu năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi thiếu niên, nhi đồng bằng những câu thơ giản dị có sức đi thẳng vào tâm hồn trẻ thơ: “Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để gìn giữ hòa bình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

 

Là lãnh tụ cao cả, hiền từ, tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh chan hòa niềm vui cùng các trẻ em Việt Nam trong cái cảnh trăng tròn, gió mát, hồ lặng, trời xanh của Trung thu làm các cháu vui cười hớn hở. Các cháu vui cười hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười hớn hở với các cháu. Là vì Bác rất yêu mến các cháu. Khi thiếu niên, nhi đồng vui Tết Trung thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở các cháu: Hôm nay, tha hồ các cháu vui chơi cho thỏa chí, ngày mai mong các cháu ra sức học tập. Phải siêng năng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang. Cuối thư, Bác Hồ gửi tặng các cháu nhiều cái hôn thân ái như cách Người vẫn thường kết thúc bài thơ tặng các cháu nhỏ hoặc lá thư gửi thiếu niên, nhi đồng bằng lời tạm biệt bình dị: “Bác hôn tất cả các cháu”, “Bác gửi các cháu nhiều cái hôn”, “Gửi cháu cái hôn và lòng thân ái”.

 

Thơ, văn Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh chân thực và thi vị sự quan tâm và tình thương sâu rộng của Người đối với thiếu niên, nhi đồng. Với miền Nam đi trước về sau luôn gan góc, dạn dày và chung thủy, Bác Hồ dành cho trẻ em của Thành đồng Tổ quốc nỗi nhớ thương và hy vọng đoàn tụ. Bài thơ “Gửi các cháu miền Nam” được Bác viết vào tháng 9 năm 1965 tràn ngập tình cảm tha thiết ấy: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/Nhớ thương các cháu vô cùng/Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.

 

Một trong những biểu hiện chân thực và sinh động của tình yêu thương vô bờ bến các em nhỏ ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là dòng thư: Trăng Thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam. Và mối quan tâm của Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh dành cho thiếu niên, nhi đồng là tấm gương tuyệt đẹp phản chiếu lòng nhân ái mênh mông của vị lãnh tụ đã trở thành là Cha, là Bác, là Anh của tuổi trẻ Việt Nam.

 

Nguyễn Bội Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây