Tổng Bí thư Lê Duẩn với tư tưởng xây dựng văn hóa và con người Việt Nam

Thứ sáu - 07/04/2023 08:41 121 0
QTO - Tổng Bí thư Lê Duẩn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhân dân ta, người học trò lỗi lạc, tuyệt đối trung thành, kế tục xuất sắc lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của Nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa…

Tổng Bí thư Lê Duẩn đã để lại cho Đảng và Nhân dân ta một kho tàng di sản tư tưởng quý báu, trong đó hệ thống các quan điểm, tư tưởng về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới XHCN vẫn giữ nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

114d5052032t8475l3 anh tbt le duan

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cán bộ, Nhân dân xã Nhơn Hưng - xã anh hùng của huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang - Ảnh: TL

Là một người luôn xem trọng văn hóa và đánh giá đúng vai trò của văn hóa trong lịch sử phát triển của dân tộc, từ rất sớm, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có những nhận định rất thấu đáo về văn hóa gắn liền với dân tộc “Con người ta không chỉ sống với miếng cơm, manh áo, mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với truyền thống dân tộc”.

Khi nói chuyện với nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh ở Thượng Hải năm 1953, Tổng Bí thư đã nói lên những suy nghĩ của mình về văn hóa: “Nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc và tính nhân dân rất mạnh, thể hiện ở tâm hồn người Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam, phong tục, văn hóa và nghệ thuật Việt Nam trong cuộc sống hòa bình và cả trong chiến tranh. Chính sự phong phú và sâu sắc của dân tộc Việt Nam, của nền văn hóa Việt Nam, là nguồn sức mạnh của dân tộc ta trong đấu tranh cách mạng và trong cuộc kháng chiến hiện nay”. Từ đó có thể thấy, đồng chí rất xem trọng văn hóa, coi văn hóa chính là nguồn sức mạnh nội sinh làm nên những chiến công vĩ đại của dân tộc.

Tư duy xây dựng nền văn hóa mới - nền văn hóa XHCN của Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng rất nhạy bén và hết sức biện chứng. “Nền văn hóa mới”theo quan điểm của đồng chí “là nền văn hóa có nội dung XHCN và tính chất dân tộc. Nền văn hóa ấy được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng làm chủ tập thể XHCN.

Nó vừa hấp thụ có chọn lọc những thành quả văn minh loài người, những thành tựu văn hóa, khoa học hiện đại, vừa là sự kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì đẹp nhất trong truyền thống hàng nghìn năm của tâm hồn Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường và mưu trí trong đấu tranh cho độc lập và tự do; là tình thương giữa những người lao động; là đức tính cần cù sáng tạo và lạc quan yêu đời.

Đó còn là chủ nghĩa quốc tế vô sản đã bắt rễ vào đời sống tinh thần của Nhân dân ta từ ngày có Đảng đến nay. Nền văn hóa ấy là sự kết hợp hài hòa những tinh hoa văn hóa có phong cách riêng của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Bên cạnh tư duy về văn hóa, đồng chí cũng trăn trở và có những định hướng về xây dựng nền văn hóa mới.

Theo đồng chí, xây dựng nền văn hóa mới là quá trình xây dựng, vun đắp những tư tưởng đúng, những tình cảm lành mạnh, những phong tục, tập quán đa dạng, đồng thời là quá trình đấu tranh không khoan nhượng chống tư tưởng tư sản, phê phán tư tưởng tiểu tư sản, quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng thực dân, phong kiến, những nhân tố lạc hậu trong đời sống văn hoá của xã hội ta.

Là nhà lãnh đạo kiệt xuất, Tổng Bí thư Lê Duẩn không chỉ quan tâm đến vấn đề văn hóa mà còn quan tâm đến việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam. Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Chế độ làm chủ tập thể XHCN đòi hỏi phải có những con người mới phù hợp với nó, muốn xây dựng CNXH trước hết cần có những con người XHCN”.

Đặc trưng về văn hóa, phẩm chất con người mới được đồng chí khái quát như sau: “Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là những phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện để cho con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống”.

Đối với “lao động”, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của “lao động” trong việc tạo ra con người và văn hoá:“Từ trong cội nguồn của nó, văn hóa là lao động… Có lao động mới có con người, và có con người là có văn hoá”.

Nhờ có “lao động” và tích lũy lao động thì mới có thể đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn để xây dựng và phát triển đất nước trong chế độ mới. Do đó, “lao động” là phẩm chất hàng đầu của con người mới để xây dựng một chế độ mới - chế độ làm chủ tập thể XHCN: “Con người mới tất yếu phải là con người lao động, lao động với tinh thần tự nguyện, tự giác cao, với đầy đủ nhiệt tình, tận tụy, sẵn sàng cống hiến mọi trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp xây dựng CNXH, là con người có tinh thần cách mạng tiến công, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào, coi lao động là vinh dự, là hạnh phúc, là lẽ sống”.

Về “tình thương”, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Dân tộc Việt Nam ta xây dựng đất nước trên tình thương và đấu tranh…”; “Thương nước - thương nhà, thương người - thương mình là những tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và nền văn hóa Việt Nam”. Trong đó, “tình thương” lớn lao nhất là lòng yêu nước, cũng là nguồn cội làm nên sức mạnh cho dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược: “Lòng yêu nước làm cho người Việt Nam đoàn kết gắn bó với nhau. Khi có khó khăn thì càng dân chủ hơn, thương yêu nhau hơn, đoàn kết hơn. Đó là cơ sở đầu tiên để tạo nên sức mạnh của dân tộc ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược”.

Tổng Bí thư mong muốn xây dựng con người mới phải là con người có “tình thương”, biết đoàn kết, phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp: “Con người mới là con người có tình thương yêu sâu sắc đối với Nhân dân, biết đoàn kết hợp tác, giúp đỡ nhau trong lao động, chiến đấu và xây dựng cuộc sống mới, lấy việc xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người là lý tưởng cao đẹp, là hạnh phúc lớn của mình”. Đồng thời cũng khẳng định: “Tình thương lớn ấy cần phải được bồi dưỡng và nâng lên trong các mối quan hệ của chế độ làm chủ tập thể.”

Về “lẽ phải”, Tổng Bí thư nhấn mạnh “lẽ phải” trước hết là phải biết coi trọng đạo lý làm người và biết làm người. “Có lẽ do biết coi trọng đạo lý làm người và biết làm người mà dân tộc Việt Nam ta đã đấu tranh tồn tại được và trưởng thành nên một dân tộc độc lập, một quốc gia độc lập. Đạo lý làm người đó đã hun đúc nên dân tộc Việt Nam, tạo cho dân tộc ta có sức sống mãnh liệt và cũng nhờ thế mà ngày nay chúng ta mới có được những trang sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang”.

“Lẽ phải” trong quan niệm của Tổng Bí thư còn là ý thức không cam chịu ách thống trị của thực dân, không chịu cảnh nước lớn ức hiếp nước nhỏ; là lý tưởng cách mạng, khát vọng đấu tranh để mang lại tự do, cuộc sống ấm no, bình đẳng cho người dân. Còn trong xây dựng đất nước, “lẽ phải” lớn lao mà đồng chí hướng đến chính là phát huy sức mạnh tổng hợp và tinh thần làm chủ tập thể của Nhân dân, từ đó tạo nên lực lượng tổng hợp của cách mạng XHCN, mà trong lực lượng tổng hợp đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định làm chủ tập thể là yếu tố quan trọng nhất:“Làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt và cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới”.

Có thể nói, 3 khái niệm “lao động”, “tình thương”, “lẽ phải” gắn bó hữu cơ, biện chứng, không thể tách rời trong tư tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Một xã hội phát triển cả 3 mặt “lao động” (sức mạnh kinh tế), “tình thương” (sức mạnh văn hóa), “lẽ phải’ (sức mạnh con người) như thế là một xã hội phát triển hài hòa, cân đối, toàn diện và bền vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ rõ: “Sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hoá, sức mạnh con người, và sức mạnh của văn hoá, của con người phải được hiện thực hoá trong sức mạnh kinh tế”.

Hiện nay, chúng ta đã và đang xây dựng nền văn hóa, con ngườiViệt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Điều đó, đòi hỏi phải kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc, giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đã được vun đắp qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Việc tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm, tư tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn về văn hóa và con người Việt Nam gắn với việc kế thừa giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ giúp chúng ta có cơ sở vững chắc để xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hình thành trong các thế hệ người Việt Nam nói chung, Nhân dân Quảng Trị nói riêng những phẩm chất tốt đẹp đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Minh Huyền

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây