Giai đoạn từ năm 2008 - 2021, thiên tai diễn biến rất phức tạp, khó lường. Bão, lũ và các loại hình thiên tai khác ngày càng mạnh hơn về cường độ và tần suất xuất hiện, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của Nhân dân và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, như: Hạn hán, nắng nóng trên diện rộng vào các năm 2010, 2014, 2015, 2016, 2019; rét hại, rét đậm các tháng đầu năm 2010, 2011, 2016; bão, mưa lũ liên tục xảy ra gây nhiều thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, điển hình là đợt bão- lũ số 9 năm 2009; 3 đợt bão số 8, số 10, số 11 năm 2013; cơn bão số 4, đợt áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) giữa tháng 10/2016, 2 đợt mưa lũ từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11/2016; bão số 4 năm 2017; ATNĐ đầu tháng 9/2019; các đợt bão số 5, số 9, số 13, ATNĐ giữa tháng 10 và đợt mưa lũ lịch sử kéo dài, gây sạt lở đất nghiêm trọng và ngập sâu trên diện rộng trong tháng 10/ 2020.
Theo số liệu thống kê từ năm 2008 - 2021, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 68 cơn bão, ATNĐ (trong đó, chịu ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại lớn là 24 cơn, trung bình 2 cơn bão/năm), có 66 đợt lũ, 78 đợt lốc xoáy, mưa đá, giông sét đã xảy ra. Thiên tai đã làm 118 người chết, 310 người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản lên đến khoảng 13.600 tỉ đồng. Đặc biệt, chỉ riêng trong năm 2020, thiên tai đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề trên địa bàn tỉnh, làm 57 người chết, 53 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 4.252 tỉ đồng.
Những tháng đầu năm 2022 cũng đã xảy ra đợt mưa lũ bất thường từ ngày 31/3 đến ngày 2/4/2022 trên địa bàn tỉnh. Đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường, chưa từng xảy ra trong nhiều năm gần đây và diễn ra trong thời điểm các loại cây trồng vụ sản xuất đông xuân đang hình thành năng suất (lúa đang làm đòng, các loại cây trồng khác đang ra hoa, kết trái,..), gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp.
Nhiều vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh mất trắng hoàn toàn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; gây hư hỏng hệ thống kênh mương nội đồng, các trạm bơm tưới tiêu, sạt lở, hư hỏng các tuyến đê, kè, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, thiệt hại về tài sản khoảng trên 791 tỉ đồng.
Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là sự nóng lên của toàn cầu và biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, La Nina đã làm gia tăng các loại hình thiên tai cũng như cường độ, tần suất xuất hiện, trong đó có mưa lũ. Tỉnh Quảng Trị có đặc điểm địa hình ngắn, dốc, nghiêng từ Tây sang Đông, khu vực đồng bằng có địa hình lòng chảo cùng với hệ thống cồn cát tự nhiên án ngữ dọc bờ biển, cửa sông tương đối hẹp nên thời gian truyền lũ nhanh nhưng tiêu thoát chậm gây ngập lụt trên diện rộng và kéo dài. Kết cấu các tầng địa chất tại một số khu vực miền núi có tính liên kết yếu, thiếu ổn định, khi xuất hiện các đợt mưa lớn trong nhiều ngày dẫn đến nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Về nguyên nhân chủ quan, quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị hóa ngày một gia tăng, tuy nhiên nhiều công trình được đầu tư xây dựng chưa gắn với quy hoạch phòng, chống thiên tai, đặc biệt là quy hoạch phòng, chống lũ của các tuyến sông làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu thoát lũ của lưu vực và gây ra ngập lụt, sạt lở tại một số khu vực. Các hoạt động trái phép hoặc thiếu kiểm soát trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã làm tăng nguy cơ gây lũ lụt, xói lở. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng khai thác rừng đầu nguồn, phá hủy thảm phủ thực vật lưu vực và hai bên bờ sông, khai thác khoáng sản lòng sông, lấn chiếm bờ sông...
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, lâu dài đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, trước hết cần nâng cao năng lực cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Cần có chính sách tập huấn, nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn từ trung ương đến cơ sở; trang cấp đầy đủ phương tiện, thiết bị để có thể xử lý mọi tình huống.
Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về việc điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các lực lượng vũ trang trong công tác tìm kiếm cứu nạn để khi có sự cố xảy ra nằm ngoài khả năng tự ứng cứu của địa phương thì các lực lượng chuyên nghiệp sẽ được triển khai nhanh chóng, kịp thời, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân. Quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ để công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn, phục vụ điều hành, chỉ đạo phòng, chống thiên tai đúng đắn, kịp thời, cụ thể như: Tăng mật độ hệ thống quan trắc tự động, nghiên cứu địa hình, địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời; có chính sách đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khí tượng thủy văn; tăng cường hệ thống truyền tin về thiên tai tại cơ sở; xây dựng cơ chế đảm bảo sự tham gia của các nhà mạng viễn thông trong truyền tin thiên tai; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho văn phòng thường trực các cấp; đảm bảo kết nối trực tuyến từ cơ quan phòng, chống thiên tai trung ương đến các tỉnh để chỉ đạo điều hành hiệu quả.
Cùng với đó là rà soát, điều tra, cập nhật bản đồ ngập lụt các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh. Việc điều tra, khảo sát, cập nhật các mô hình thủy văn, thủy lực và xây dựng mới các bản đồ ngập lụt tại các lưu vực sông phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó với mưa lũ cũng như đánh giá, xây dựng định hướng, quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở đảm bảo hạn chế ngập lụt, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, thiên tai ngày càng cực đoan, khắc nghiệt và khó lường hơn trước, đặc biệt là sau các đợt mưa lũ lịch sử trong năm 2020, yêu cầu đặt ra là phải triển khai điều tra, đánh giá hiện trạng, năng lực trữ nước, tiêu thoát lũ và hệ thống hạ tầng thiết yếu về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xây dựng, triển khai các giải pháp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn của tỉnh đảm bảo gắn với yêu cầu chủ động phòng chống thiên tai. Tỉnh đang đề nghị trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.
Hiện nay, Quảng Trị đang gặp rất nhiều khó khăn trong kêu gọi đầu tư vì hạ tầng kỹ thuật hạn chế. Để có nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, nâng cao năng lực tự ứng phó thiên tai của cộng đồng, tỉnh đang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm, có chính sách tín dụng ưu đãi cho tỉnh Quảng Trị vay vốn để xử lý khẩn cấp, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai, đê điều, thủy lợi, đường giao thông và các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác, đồng thời để đầu tư phát triển, giúp tỉnh từng bước hoàn thiện đồng bộ các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức của người dân, tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư đến với Quảng Trị nhiều hơn.
Do địa hình khu vực miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng có độ dốc lớn, nên khi có mưa to, lũ thường lên rất nhanh, có vùng lên 2 - 3 m/ngày. Việc sơ tán dân từ vùng thấp lên vùng cao, di dời dân từ nhà tạm lên các điểm tập trung như trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… để đảm bảo an toàn tính mạng là rất cần thiết và được các địa phương thực hiện tốt. Tuy nhiên, khi gặp mưa lớn diện rộng như thời gian vừa qua thì tài sản của Nhân dân bị mất mát, thiệt hại nặng nề. Chính vì vậy, tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ quy mô nhỏ cho Nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lụt ở khu vực miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Trị.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện dự án: Di dời khẩn cấp dân cư tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất; phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ số hộ dân cần di dời khẩn cấp được bố trí đến nơi an toàn. Ngoài vấn đề nhu cầu về nhà ở thì phát triển sản xuất bền vững cho người dân là vấn đề cần được quan tâm, giúp người dân ổn định tư tưởng để định cư lâu dài tại nơi ở mới. Chính vì vậy, cần phải có các chính sách riêng đối với khu vực miền núi về đào tạo nghề, hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu giúp người dân có tư liệu sản xuất và đề nghị trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, để giúp người dân chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống sạt lở do lụt bão, nước biển dâng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống đê sông, đê biển hình thành trục giao thông dọc sông phục vụ dân sinh và cứu hộ, cứu nạn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, việc đầu tư xây dựng công trình nhằm phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tiêu thoát lũ là hết sức cần thiết.
Tác giả bài viết: Đan Tâm
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Ý kiến bạn đọc