“Không việc gì, ở Việt Nam mà”

Thứ ba - 06/06/2023 09:59 6.412 0
mà”


Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Linh ghi rõ, vào ngày 14/9/1973, các đồng chí lãnh đạo Khu vực Vĩnh Linh gồm: Bí thư Khu ủy Trần Đồng; Chủ tịch Ủy ban hành chính Dương Tốn; Chính ủy Vũ Kỳ Lân; Trưởng Công an khu vực Trần Đình Thạch… đón Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cuba tại ngã ba Lệ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cách Vĩnh Linh gần 40 km. Khoảng 15 giờ kém ngày 14/9/1973, phái đoàn Cuba đến Nhà Giao tế Khu vực Vĩnh Linh ở thị trấn Hồ Xá nghỉ lại. Tiếng vỗ tay hân hoan chào đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Cuba Fidel Castro vang lên không ngớt.

Tại khu vực nhà giao tế, Chủ tịch Fidel Castro chưa vội vào phòng nghỉ, ông nán lại đi quanh sân nhà, trò chuyện thân mật, động viên, chia sẻ với các chiến sĩ lực lượng vũ trang của Khu vực Vĩnh Linh, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Văn Ban. Chủ tịch Fidel Castro đi thăm vườn sắn của Đội 4, Hợp tác xã Thượng Hòa cạnh nhà giao tế. Hơn 10 phút sau, ông trở vào, nhìn thấy nhà bếp có một số người đang chuẩn bị bữa ăn tối nên bước nhanh vào chào mọi người.
Những nhân viên có mặt hôm đó rất bất ngờ và hạnh phúc vì may mắn được gặp Chủ tịch Fidel Castro. Ông chỉ tay vào bát sắn (củ mì) vừa được mọi người nấu chín để trên bàn còn bốc hơi, hỏi: “Củ này ăn được chứ?”. Mọi người nhanh nhảu trả lời: “Thưa lãnh tụ ăn được”. Chủ tịch Fidel Castro bẻ ngay một miếng nếm thử rồi cười vui vẻ. Nhìn các đồng chí bảo vệ có vẻ lo lắng, ông khoát tay nói: “Không việc gì, ở Việt Nam mà”.
Ông Trương Đình Thản (86 tuổi), Bí thư Chi bộ Văn phòng Ủy ban Hành chính (VPUBHC) Khu vực Vĩnh Linh, tổ trưởng tổ lái xe, là người nhận nhiệm vụ bí mật từ Thường trực Khu ủy Vĩnh Linh cấp tốc ra Hà Nội, đến Bộ Ngoại giao nhận đồ dùng phục vụ cho phái đoàn Cuba. Lệnh bí mật ghi rõ ông phải hoàn thành nhiệm vụ và có mặt ở Vĩnh Linh trước 12 giờ ngày 14/9/1973. Ông Thản nhớ lại, trước đó, VPUBHC Khu vực Vĩnh Linh đề nghị Xí nghiệp gỗ Lê Thế Hiếu đóng 2 chiếc giường gỗ, mỗi chiếc có chiều dài 2,2 m, chiều rộng 1,6 m. Tại khu Nhà Giao tế Vĩnh Linh dựng thêm 1 ngôi nhà có cột bằng gỗ, vách bằng phên tre, diện tích nhà rộng 9 m x 7 m, gồm 3 phòng có vị trí ngay trước sân để Chủ tịch Fidel Castro nghỉ ngơi. Trong ngôi nhà tạm này được đặt 2 chiếc giường.
Tối hôm ấy, Thường trực Khu ủy Vĩnh Linh tổ chức chiêu đãi Chủ tịch Cuba Fidel Castro, phái đoàn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lâm Kim Chi - một thiếu nhi của vùng đất thép Vĩnh Linh - vinh dự được giao nhiệm vụ mang hoa tặng Chủ tịch Fidel Castro.
Cô bé Kim Chi 12 tuổi năm nào nay đã 62 tuổi, là cán bộ ngành văn hóa đã nghỉ hưu tại TP. Huế. Nhắc lại kỷ niệm đẹp ấy, bà không khỏi tự hào: Trong danh sách học sinh được chọn để tặng hoa cho lãnh đạo cấp trên đến thăm Khu vực Vĩnh Linh lúc đầu không có tên tôi. Nhưng tối đến, ba tôi là ông Lâm Bình, Công an Khu vực Vĩnh Linh bất ngờ chở tôi đến nhà giao tế, trao cho tôi 1 bó hoa và giao nhiệm vụ tặng bó hoa đó cho “ông Tây” cao to nhất, đó chính là Chủ tịch Cuba Fidel Castro.
Trong hoàn cảnh vừa bị chiến tranh tàn phá, khắp nơi hố bom, xác pháo ngổn ngang nhưng Khu vực Vĩnh Linh vẫn tìm được bó hoa tươi để tặng khách, vì thế Chủ tịch Fidel Castro hết sức cảm động. “Về nhà, tôi mới được ba giải thích, vì nhiệm vụ bảo mật tuyệt đối về chuyến thăm của lãnh tụ Cuba Fidel Castro nên mọi nội dung công việc đều phải nghi binh.

Đến giờ phút cuối, người tặng hoa cũng phải thay đổi để đảm bảo an toàn, bí mật. Bó hoa cũng phải thay đổi, tự tay ba tôi chọn, kết lại, chứ không sử dụng bó hoa đã chuẩn bị từ trước. Điều này khiến tôi không khỏi vinh dự và tự hào”, bà Chi chia sẻ.
Còn bà Lê Thị Thơ (năm nay 80 tuổi), nguyên cán bộ Nhà Giao tế Khu vực Vĩnh Linh, vinh dự khi được lựa chọn phục vụ bữa ăn cho đoàn lãnh đạo Cuba. Bà xúc động nhớ lại: Chiều 14/9/1973, chúng tôi được thông báo hôm nay Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng phái đoàn ở lại nhà giao tế. Mọi người rất vinh dự khi được đón tiếp, phục vụ phái đoàn. Bác sĩ của Việt Nam và Cuba giám sát cẩn thận từ bếp, từng chiếc nồi nấu ăn đến món ăn.
Lúc ấy củi là nhiên liệu để chuẩn bị bữa ăn. Nấu chín, các bác sĩ kiểm tra, thử trước từng món ăn rồi sau đó mới đồng ý dọn lên bàn đãi khách. “Trong quá trình phục vụ bữa ăn, tôi được tiếp xúc với Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ông khen cán bộ nhà giao tế chuẩn bị bữa ăn rất ngon và cảm ơn những người làm công tác phục vụ tại đây”, bà Thơ cho biết.

Nhắc đến khoảnh khắc khi bấm bức hình đầu tiên về Chủ tịch Fidel Castro lúc ông bước chân xuống cầu phao sông Bến Hải để sang bờ Nam thăm vùng giải phóng Quảng Trị, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô vẫn còn xúc động. “Lúc đó khoảng 4-5 giờ sáng ngày 15/9/1973, bên kia cầu phao có ánh đèn của một đoàn xe con nối nhau.

Khi đoàn xe dừng lại, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiến thẳng đến chiếc xe thứ 3. Cửa mở, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro bước xuống. Tôi nín thở bấm máy vì vừa kịp nhận ra nhiệm vụ tối mật được giao trước đó của mình là gì. Đây là những bức ảnh mở đầu cho chuỗi sự kiện đặc biệt quan trọng diễn ra sau đó trong suốt hành trình thăm vùng giải phóng tại Quảng Trị của Chủ tịch Fidel Castro”, ông Sỹ Sô chia sẻ.
Ông Sỹ Sô mang theo 2 máy, một to, một nhỏ hiệu Pentax, ống kính dài 210 mm và bấm máy liên tục, ghi lại tất cả các khoảnh khắc mà ông cho là ý nghĩa nhất với trên 20 cuốn phim, khoảng 200 tấm ảnh. “Khi xả ảnh, tôi rất hồi hộp, cất giữ rất cẩn thận những tấm ảnh đã chụp rồi lọc lại được khoảng 50 tấm ảnh giá trị nhất để triển lãm và đưa vào hồi ký năm 2011”, ông Sô nói.
Không chỉ ông Sô mà với nhiều người dân Quảng Trị khác, khoảnh khắc dừng chân của Chủ tịch Fidel Castro trên Cao điểm 241 là ấn tượng nhất. Cao điểm 241 vốn là căn cứ pháo của địch nên ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo nhưng Chủ tịch Fidel Castro vẫn bước hiên ngang, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại đây, Chủ tịch Fidel Castro đã có câu nói bất hủ: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu” khiến cả biển người lặng đi vì xúc động.

“Trong các bức ảnh chụp tại Cao điểm 241, tôi ấn tượng nhất là bức ảnh Chủ tịch Fidel Castro đứng dẫm chân lên nòng pháo. Một dáng vẻ thật hiên ngang, bất khuất, giống như hình ảnh của con người Việt Nam dũng cảm, kiên cường. Góc máy của tôi phải điều chỉnh để lột tả được thần thái của nhân vật cũng như bối cảnh xung quanh. Ở vị trí bức ảnh của tôi cũng nhìn rất rõ Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi đã chụp được khoảnh khắc với bố cục bức ảnh rất ấn tượng”, ông Sỹ Sô nhớ lại.
Ở một góc máy khác, hình ảnh vị nguyên thủ của đất nước Cuba lại trở nên gần gũi. Khi nghe đến những đau thương, mất mát mà người dân Quảng Trị phải gánh chịu trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược, Chủ tịch Fidel Castro lặng người vì xúc động. Khi được người dân vùng mới giải phóng tặng các sản vật được làm ra trên hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, ông lại mừng vui, trân quý. Những khoảnh khắc hiếm hoi đó đều được nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô đưa vào trong các bức ảnh của mình.

Chiếc máy ảnh gắn bó với ông Sỹ Sô trong suốt cuộc đời tác nghiệp đã được ông tặng Bảo tàng Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2020. Ông nói: “Chiếc máy ảnh này như một “chứng nhân lịch sử”, giúp tôi ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi, có một không hai trong cuộc đời tác nghiệp của mình. Nay tuổi cao sức yếu, tôi muốn tặng cho bảo tàng vì ở đó nó sẽ được trưng bày và bảo quản tốt hơn”. Sau này, cụm tác phẩm gồm bộ ảnh “Fidel Castro - Quảng Trị một ngày lịch sử 1973”, “Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” (1960 -1975) của ông Sỹ Sô được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trên Cao điểm 241 cách đây 50 năm, chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát do chiến tranh, Chủ tịch Fidel Castro đã gợi mở cần sớm xây dựng nhà cửa và nông trường để khắc phục hậu quả chiến tranh. 50 năm sau, Cao điểm 241 ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đã trở thành di tích cấp tỉnh. Một màu xanh trù phú bao phủ vùng đất này.

Một ngày giữa tháng 4/2023, ông Nguyễn Công Đoàn (99 tuổi) ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cùng người con trai út Nguyễn Văn Nam trở lại di tích này trong niềm xúc động. Ký ức đẹp ngày xưa như sống lại trong ông – người may mắn chứng kiến sự kiện Chủ tịch Fidel Castro thăm Cao điểm 241.

Thời điểm đó, ông Đoàn giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cam Lộ nên có mặt trong thành phần đón phái đoàn Cuba. “Hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro cao lớn, giọng nói sang sảng, bước đi oai vệ khiến ai cũng ngưỡng mộ. Giữa rừng cờ và người của buổi gặp mặt, mỗi lần Chủ tịch ngừng phát biểu, tiếng vỗ tay của các đại biểu lại rền vang”, ông Đoàn nhớ lại.
Cùng với chiến thắng quả cảm của Quân giải phóng tại Cao điểm 241 vào tháng 4/1972 và là nơi ghi dấu ấn Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm, Đài chiến thắng đã được xây dựng tại Cao điểm 241 vào năm 1992.

Đến năm 2012, cựu chiến binh Sư đoàn 304 cùng địa phương đã tôn tạo, nâng cấp di tích này bằng khối vật liệu cứng với kiến trúc cách điệu ở phía đế là hình khẩu pháo 175 ly của quân đội Mỹ bị gãy nòng trước hỏa lực của quân giải phóng. Hiện tại, UBND huyện Cam Lộ tiếp tục quy hoạch, tôn tạo di tích này với diện tích được khoanh vùng bảo vệ rộng hơn 2.000 m2. Đây là địa chỉ đỏ để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc cũng như phục vụ phát triển du lịch địa phương.
00:01:49
Thôn Tân Phú, xã Cam Thành, nơi có di tích lịch sử Cao điểm 241 nay trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu mức 1 và đang phấn đấu đạt tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu mức 2. Thôn có 107 hộ, hơn 415 nhân khẩu, thế mạnh kinh tế là sản xuất nông, lâm nghiệp, bình quân thu nhập đạt 63 triệu đồng/người/năm 2022.

Ngoài tiêu là cây trồng chủ lực, những năm gần đây, người dân mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị khác. Ông Nguyễn Văn Vân, thôn Tân Phú cho biết: “Gia đình tôi trồng thêm 1,4 ha sầu riêng, dự kiến 2 năm nữa cây sẽ cho vụ trái đầu tiên”. Còn ông Lê Xuân Lam thì mở rộng chăn nuôi đàn dê thả đồi hơn 70 con. “Mỗi lứa dê có thời gian nuôi từ 6-8 tháng là xuất chuồng với giá bán khi cao nhất đạt 150 nghìn đồng/kg thịt hơi. Nhờ chăn nuôi dê, gia đình tôi có thu nhập khá để cải thiện cuộc sống”, ông Lam nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Cam Thành Lê Anh Chương, không chỉ thôn Tân Phú mà các thôn khác của xã Cam Thành cũng đạt được nhiều kết quả trong phát triển KT-XH. Xã Cam Thành nằm ở vùng trung du miền núi, có 12 thôn với diện tích tự nhiên hơn 4.396 ha. Vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã Cam Thành như hồ tiêu, lạc, dược liệu được cấp mã vùng, đạt chuẩn VietGap và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm. Sản phẩm nông nghiệp của xã được đưa lên các sàn thương mại điện tử để thuận lợi hơn cho người dân trong buôn bán, giao dịch, góp phần tăng thu nhập.
TÚ LINH - PHƯƠNG MINH - HOÀI HƯƠNG - LÂM THANH
ẢNH VÀ VIDEO: SỸ SÔ, TÚ LINH
TRÌNH BÀY: HOÀI NAM

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây