30 4

TẠO SINH KẾ BỀN VỮNG CHO NGƯỜI NGHÈO

Thứ năm - 01/02/2024 14:46 382 0
Thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, với mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ các mô hình sinh kế phát triển sản xuất cho người nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
 
anh son dang
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho mô hình Tổ hợp tác thu mua, bảo quản, chế biến thuỷ hải sản thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Ảnh PN
 

Phát huy vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ổn định xã hội, góp phần chăm lo đời sống cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2018, từ nguồn dự án giảm nghèo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức đoàn đi khảo sát và thống nhất hỗ trợ 360 triệu đồng xây dựng và phát triển mô hình “Tổ hợp tác thu mua, bảo quản, chế biến thuỷ hải sản” tại thôn 4 xã Gio Hải, huyện Gio Linh với 26 hộ gia đình là thành viên tham gia (trong đó có 11 hộ nghèo, 06 hộ cận nghèo, 07 hộ mới thoát nghèo và 02 hộ khá). Trong thời gian 03 năm đi vào hoạt động, với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự nỗ lực sản xuất, kinh doanh của người dân, mô hình đã gặt hái được nhiều thành công, đảm bảo và vượt mục tiêu ban đầu đề ra.  Ước tính tổng sản phẩm thu mua, bảo quản, chế biến mà mô hình mang lại: Ghẹ 30 tấn; Cá nục 150 tấn; Sứa 60 tấn; Mực 40 tấn; Tôm 3,5 tấn. Từ đó thu nhập bình quân của một lao động từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/tháng. Kết thúc dự án giảm nghèo, có 04 hộ từ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo thành công, mang lại niềm vui cho bà con nhân dân thôn 4, xã Gio Hải. Phát huy hiệu quả của mô hình, nhận thấy đây cũng là một ưu thế của địa phương huyện Gio Linh, năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục khảo sát và nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, tăng thu nhập. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Sau khi khảo sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quyết định hỗ trợ với phương án xoay vòng vốn mô hình giảm nghèo, tổng số vốn là 225.750.000 đồng để xây dựng phát triển mô hình “Tổ hợp tác thu mua, bảo quản, chế biến thủy hải sản Tân Việt” ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Mô hình này đã thực sự góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Mô hình “Tổ hợp tác thu mua, bảo quản, chế biến thủy hải sản Tân Việt” ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị gồm có 16 hộ gia đình tham gia (trong đó có 05 hộ nghèo, 06 hộ cận nghèo, 04 hộ thoát nghèo và 01 hộ khá). Mục tiêu của mô hình “Tổ hợp tác thu mua, bảo quản, chế biến thủy hải sản Tân Việt” nhằm phát triển sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho bà con trên địa bàn thị trấn học tập, nhân rộng mô hình khác giúp thay đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với mục tiêu thu nhập của các gia đình tham gia dự án tăng 20-25%/năm; bình quân mỗi năm ít nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo. Dự án được thực hiện trong vòng 03 năm (2023-2026), trong thời gian đầu, các thành viên tham gia mô hình được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả. Sau khi kết thúc dự án, các hộ tiến hành hoàn trả vốn đã được hỗ trợ ban đầu. Nguồn vốn sau thu hồi Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị tiếp tục khảo sát, chọn lựa để luân chuyển hỗ trợ cho các mô hình phát triển kinh tế khác nhằm mục đích tạo sinh kế bền vững cho người nghèo.
Ngoài mô hình sinh kế từ nguồn dự án giảm nghèo, năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị cũng đã triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế cho 20 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 600 triệu đồng. Hiện nay, các mô hình được hỗ trợ đang được triển khai, thực hiện có hiệu quả như: mô hình chăn nuôi gà (100 con/hộ/lứa) của hộ gia đình Nguyễn Thị Lành và Võ Thị Chỉu ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Đàn gà được nuôi trong thời gian 3 tháng đến nay đã xuất chuồng lứa thứ nhất, sau khi trừ các chi phí cho lãi ròng gần 2 triệu đồng. Hiện nay, đàn gà đang được nuôi lứa thứ hai với số lượng nhiều hơn và phát triển tốt. Mô hình chăn nuôi lợn thịt của hộ gia đình bà Nhung ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh với 10 con lợn thịt, đến nay đã bán lứa thứ nhất với chất lượng thịt được đánh giá cao từ người tiêu dùng, mang lại thu nhập khá, trừ các chi phí còn lãi ròng 5 triệu đồng. Mô hình trồng sen và nuôi cá bán thâm canh của gia đình ông Lê Văn Hào ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cũng là một trong những mô hình tiểu biểu. Mạnh dạn đầu tư, gia đình đấu thầu với HTX mặt nước hoang 2,2 ha để xây dựng mô hình sen cá, qua một năm thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả khá cao, tính bình quân lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu khác như: Mô hình nuôi cá chình (137 con) của hộ gia đình Phạm Văn Đông ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng; Mô hình chăn nuôi trâu của hộ Trần Hữu Quý ở Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh … Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm giúp cho các hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo một các bền vững như: mô hình nuôi bò sinh sản ở Hướng Hóa, Thị xã Quảng Trị, Gio Linh; Mô hình trồng rau sạch, cây ăn quả, cây dược liệu ở Cam Lộ; Mô hình sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu ở Đông Hà, Hải Lăng...
Trong 5 năm (2019-2023), từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các cấp huy động được đã tập trung hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất cho 968 người nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trị giá hơn 6,2 tỷ đồng. Ngoài ra, 5 năm qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã huy động và hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 2.640 nhà Đại đoàn kết, trị giá 118,83 tỷ đồng nhằm giúp người nghèo có mái nhà kiên cố, ổn định để yên tâm phát trển sản xuất. Việc tạo sinh kế bền vững đã đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả cao cho người dân như: nâng cao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi; thay đổi nhận thức, hành vi, tập tục buôn bán nhỏ lẻ, chuyển dần sang các mô hình kinh tế tập thể, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và cải thiện thu nhập, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những mô hình hỗ trợ sinh kế đã phát huy tác dụng, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã thực sự thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn 14.333 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 7,9%/tổng số hộ dân của toàn tỉnh và 10.052 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 5,54%. Có thể thấy việc tạo sinh kế bền vững cho người nghèo sẽ giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khuyến khích người nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn khu dân cư./.
LÊ HỒNG SƠN
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây