30 4

Sống lại những câu chuyện đẹp

Thứ năm - 08/06/2023 21:56 92 0

Loạt bài: Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Cuba: Kế thừa truyền thống, vun đắp tương lai

“Phần ký ức đẹp nhất của đời tui”
Để tìm được nhân vật trong bài báo “Ông Tây phe ta”, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian. Bởi lẽ, tác giả của bài báo kể về cuộc gặp giữa Chủ tịch Cuba Fidel Castro vào năm 1973 với một học sinh bị thương bởi bom B52 của Mỹ tại thị xã Đông Hà (tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi văn học quốc tế viết về tấm gương cách mạng mẫu mực của Chủ tịch Fidel Casto nhân dịp ông tròn 70 tuổi) đã mất, mà nhân vật trong bài báo ngoài cái tên ra không có một dòng địa chỉ nào.

Đến ông Lê Hồng Đăng (sinh năm 1960) ở TP. Đông Hà cũng bất ngờ khi có người tìm gặp mình, vì theo ông: “Trước đây, cuộc sống của tui gắn với những cánh đồng. Tìm gặp tui khó lắm”. Ông Đăng nuôi vịt chạy đồng. Ngày và đêm của ông đều ở trên những cánh đồng cùng đàn vịt hàng trăm con. Cuộc mưu sinh vất vả đã lấy đi của ông Đăng rất nhiều thứ nhưng ký ức về lần gặp gỡ “ông Tây phe ta” là Chủ tịch Fidel Castro thì vẫn in sâu trong tâm trí ông.
Lúc mới hơn 10 tuổi, trong một đợt Mỹ rải thảm B52, ông Đăng đã xuống hầm trú ẩn an toàn. Nhưng chợt nhớ còn một đứa em đang chơi ở phía trên nên ông quay lên đón. Không may, khi đôi bàn tay của ông Đăng vươn về phía trước để bồng đứa em của mình xuống hầm cũng là lúc một mảnh bom B52 cắt ngang tầm vươn đó, cướp đi của ông đôi tay và một phần chân phải. Năm 1972, thị xã Đông Hà được giải phóng. Ông Đăng lúc đó là học sinh cấp 1 xã Triệu Lương, huyện Triệu Phong, nhiều lần được đón đi gặp các đoàn khách và báo chí nước ngoài khi họ đến thăm vùng đất mới được giải phóng của Quảng Trị. Vậy nên, khi được đón đi gặp Chủ tịch Fidel Casto, ông nghĩ cũng giống như các lần trước đó. Tuy nhiên, một chi tiết từ lời giới thiệu của người cán bộ đến đón ông, rằng: Em sẽ được gặp “ông Tây phe ta” khiến ông chú ý đặc biệt đến nhân vật mình được gặp.

Ông Đăng nhớ lại: “Đó là một ngày giữa tháng 9/1973, trời đã vào thu nhưng thời tiết Đông Hà vẫn còn nắng nóng. Tui được xe đưa đến Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ở đây có rất nhiều người. Như mọi lần, tui kể lại câu chuyện thương tật của mình cho mọi người nghe và nắn nót viết lên trang giấy bằng đôi bàn tay không lành lặn của mình. Lúc đó, ấn tượng về “ông Tây phe ta” chưa rõ vì xung quanh tui có nhiều “ông Tây” quá”.
Khi về thị xã Đông Hà, ông Đăng mới may mắn được gặp “ông Tây phe ta” ở một khoảng cách gần hơn. Ký ức đưa ông trở về ngày đó, dưới cơn gió Lào cuối mùa bụi tung mù mịt, một ông Tây cao lừng lững đứng trước mặt, như đợi ông đến. “Tui còn nhớ vị trí đó gần lô cốt ở trung tâm thị xã. Khi xe dừng lại, “ông Tây” xốc nách tui vào nhà. Bàn tay rắn chắc của ông một tay ôm tui vào lòng, một tay xoa lên đầu như chính tui là con cháu của ông vậy. Khi sờ đến hai cánh tay bị cụt đến khuỷu của tui, bàn tay ông như ghì chặt hơn. Ông khóc. Xúc động, tui cũng rúc đầu vào vai ông mà khóc, dù chưa hề biết thân phận đặc biệt của “ông Tây phe ta” này. Tui chỉ cảm nhận được một điều là vòng tay của ông, cái xoa đầu của ông với một đứa bé là nạn nhân của chiến tranh như tui rất ấm áp. Ánh nhìn của ông cũng rất nhân hậu và sẻ chia. Đây là lần thứ 2 tui khóc. Lần đầu, tui khóc vì được gặp mẹ sau khi điều trị vết thương từ trạm giải phẫu của bộ đội giải phóng về. Lần này, tui khóc vì thấy “ông Tây” khóc. Tui hiểu hơn về câu nói của người cán bộ hôm đón mình, hóa ra “ông Tây phe ta” là đây, chỉ có “phe ta” mới cảm thông với nỗi đau của một đứa trẻ bị thương bởi chiến tranh như tui”, ông Đăng chia sẻ.

Mãi về sau, ông Đăng mới biết “ông Tây phe ta” mà mình vinh dự được gặp chính là vị lãnh tụ kính yêu của Nhân dân Cuba, Chủ tịch Fidel Castro. Vì thế, khoảnh khắc tưởng chừng như lướt qua trí óc non nớt của một đứa trẻ ngày đó được ông lưu giữ mãi.
Ông Đăng bây giờ đã ngoài 63, không còn nuôi vịt chạy đồng như trước nhưng cuộc mưu sinh vẫn chưa hề vơi đi nhọc nhằn đối với ông. Người ta nói “giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”. Vì đôi bàn tay không lành lặn như bao người nên ông phải nỗ lực hơn bội lần để nuôi vợ và hai con.

“Hơn nửa đời người tui phải bám ruộng để nuôi vịt và cất tôm tép mang ra chợ bán. Tui thường ví mình giống như một cây đại thụ giữa cánh đồng. Dù gặp bão giông vẫn phải trụ vững để làm chỗ dựa cho gia đình. Trong chuỗi ngày vất vả đó, có lúc tui quên đi câu chuyện đẹp trong quá khứ nhưng khi nhớ lại, lòng ấm áp vô cùng. Bởi tui biết, khoảnh khắc đó không phải ai cũng có được”, ông Đăng chia sẻ.
“Nguyện sống tốt để xứng ơn cứu mạng”

“Thành phố Havanan, ngày 15/9/2018. Chị Nguyễn Thị Hương thân mến! Tôi biết chị vào ngày 15/9/1973, cách đây 45 năm...”.
Đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng tại Quảng Trị, bà Hương nhận được một bức thư từ đất nước Cuba xa xôi. Bức thư khiến bà lặng người xúc động vì tác giả chính là bác sĩ Cuba A-ri-en Sô-lê Mu-nhốt, người được Chủ tịch Fidel Castro giao nhiệm vụ ở lại khi phát hiện bà Hương bị thương do cuốc phải bom trên cánh đồng lúc đang lao động cùng đoàn viên thanh niên xã Vĩnh Thành (nay là xã Hiền Thành), huyện Vĩnh Linh.
“Khi tôi đang thực hiện việc khám nghiệm xem tình hình sức khỏe của chị thế nào, Chủ tịch Fidel Castro đến và nói với tôi: “Anh hãy ở lại để xử lý giúp họ, tôi sẽ cho người đến đón anh sau”. Ông để lại xe cứu thương có nhiệm vụ cấp cứu cho đoàn lãnh đạo Cuba và tiếp tục lên đường...”. Một lần nữa, câu chuyện đẹp trong quá khứ sống lại trong ký ức bà Hương. Mặc dù khi đang điều trị ở bệnh viện, bà biết người ra lệnh phải cứu sống bằng được mình là Chủ tịch Fidel Castro nhưng chi tiết được bác sĩ A-ri-en Sô-lê Mu-nhốt kể lại khiến bà Hương thêm khâm phục nghĩa cử cao đẹp của ông.
Hành trình đến thăm vùng đất mới giải phóng ở Quảng Trị lúc đó tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy nhưng Chủ tịch Fidel Castro vẫn để lại xe cứu thương và bác sĩ của đoàn để giúp một người dân bình thường như bà. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của các y, bác sĩ cũng như sự tiếp viện 10 chai máu khô từ Đồng Hới vào nên mặc dù bị thương rất nặng (bị đứt động mạch và 8 khúc ruột), bà Hương đã được cứu sống.

Cất giữ trong lòng những ký ức và tình cảm sâu nặng với Chủ tịch Fidel Castro nên khi ông mất, vợ chồng bà Hương đến Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội để đặt vòng hoa và tưởng niệm ông. Vợ chồng bà Hương vinh dự được mời vào phòng dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia để ghi vào sổ những dòng tưởng niệm.
Đặc biệt tại đây, bà được nhân viên Đại sứ quán tặng một tư liệu quý, đó là bài báo được đăng bằng tiếng Latin về sự kiện Chủ tịch Fidel Castro sang thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, trong đó có chi tiết Chủ tịch Fidel Castro lệnh phải cứu bà bằng mọi cách.

Bài báo có đăng kèm bức ảnh cô đoàn viên thanh niên trúng bom nằm gục bên đường, đang được sơ cứu với dòng chú thích: Các bác sĩ Cuba theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Fidel Castro chăm sóc cô bé là nạn nhân của một vụ nổ bom ở Quảng Trị. Bài báo đó được hàng triệu người dân Cuba đón đọc và lắng sâu niềm xúc động về nghĩa cử cao đẹp của vị lãnh tụ kính yêu. Cũng tại đây, bà biết thêm chi tiết là lúc đó theo quy định, để đảm bảo công tác an ninh nên đoàn xe không thể dừng lại. Tuy nhiên, hình ảnh cô gái bé nhỏ với thân mình đầm đìa máu bên đường khiến Chủ tịch Fidel Castro không thể tiếp tục hành trình mà yêu cầu dừng xe, hỏi thăm tình hình và ra lệnh dùng xe của đoàn đưa bà vào bệnh viện.
Không chỉ có vậy, sự quan tâm thường xuyên về sau của Chủ tịch Fidel Castro càng khiến bà Hương cảm động hơn. Sau khi về nước, dù bận trăm công nghìn việc, ông vẫn luôn quan tâm đến người con gái mình gặp và cứu mạng ở một đất nước cách Cuba nửa vòng trái đất. Một tháng sau khi bà Hương xuất viện, Chủ tịch Fidel Castro gửi cho bà thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đặc biệt là tấm danh thiếp in trên giấy đẹp, có hoa văn chìm và con dấu nổi, dòng trên ghi chữ in đứng: CMDTE. FIDEL CASTRO RUZ và dòng dưới là: Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba. Đây là tấm danh thiếp quý giá vì ở Cuba cũng rất hiếm người được tặng.

Không lâu sau ngày được cứu sống, thư ký của Chủ tịch Fidel Castro sang Việt Nam đã vào Vĩnh Linh thăm bà. Lần đó, bà Hương được mời lên Nhà giao tế Vĩnh Linh, ăn bữa cơm và chuyện trò thân mật với thư ký của ông. Qua câu chuyện của người thư ký, bà biết Chủ tịch Fidel Castro rất quan tâm đến sức khỏe và cuộc sống hiện tại của bà. Chính ông đã yêu cầu thư ký của mình tìm về Vĩnh Linh thăm bà.

Từ đó về sau, năm nào có phái đoàn Cuba sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Fidel Castro đều gửi quà tặng bà. Năm 1985, bà Hương nhận được lời mời của Chủ tịch Fidel Castro qua Cuba kiểm tra sức khỏe và an dưỡng nhưng vì thời điểm đó, bà vừa sinh con gái út nên không thể đi được. Đến giờ, bà Hương vẫn cảm thấy tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội sang thăm đất nước Cuba, để được gặp và nói lời cảm ơn chân thành với Chủ tịch Fidel Castro.
“Món quà lớn nhất mà Chủ tịch Fidel Castro dành tặng cho tôi ngoài ơn cứu mạng là đã kết nối để tôi gặp được nhiều vị lãnh đạo và người dân của đất nước Cuba. Câu chuyện của tôi được nhiều người dân Cuba biết nên khi đến Việt Nam, họ đều tìm đến ngôi nhà nhỏ ở đường Đặng Tất, TP. Đông Hà của tôi để nghe kể lại chuyện xưa. Từ những con người xa lạ, tôi và các bạn Cuba trở nên gần gũi, thân thiết hơn qua câu chuyện ân tình này”, bà Hương chia sẻ. Chính sự kết nối đó cho bà cơ hội liên lạc với người bác sĩ Cuba đã sơ cứu vết thương cho mình năm nào.
00:02:13
Vào ngày 30/6/2018, bài phỏng vấn bà Hương của nhà báo Cuba Jose Liamos được thực hiện tại ngôi nhà của bà xuất hiện trên một tờ báo ở TP. Havana, Cuba. Bài báo đã bắc một nhịp cầu để bác sĩ A-ri-en Sô-lê Mu-nhốt liên lạc với bà Hương và trả lời cho câu hỏi mà ông luôn mang theo bên mình, rằng: “Trong suốt 45 năm qua, tôi luôn nghĩ về chị. Không biết vết thương của chị phục hồi như thế nào? Liệu chị còn sống không?”.
HOÀI HƯƠNG - PHƯƠNG MINH - LÂM THANH - TÚ LINH
Ảnh và video: Hoài Hương - Lê Trường
Trình bày: Hoài Nam
Bài 4: Những công trình kết nối tình hữu nghị
 

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây