Làm trưởng ban công tác mặt trận, điều trăn trở lớn nhất của anh Hồ Văn Cùm là làm sao cho người dân được tiếp cận với kiến thức phát triển kinh tế, vươn lên thoát cảnh đói nghèo, có cuộc sống khá giả để từ đó đóng góp tích cực hơn trong xây dựng quê hương. Muốn vậy thì bản thân mình phải đi trước, phải có mô hình làm ăn mang lại thu nhập ổn định thì mới tuyên truyền, vận động được người dân chuyển đổi cách thức trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng gia đình, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường.
Nghĩ sao làm vậy, nhận thấy tiềm năng phát triển rừng trồng trên địa bàn là rất lớn, anh mạnh dạn bàn với vợ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để mua đất, trồng rừng nguyên liệu. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó trong canh tác nên 3 ha đất trống, đồi trọc trồng rừng của gia đình đã nhanh chóng phủ một màu xanh. Qua tìm tòi, tham khảo nhiều mô hình kinh tế hay ở các địa phương, anh nhận thấy việc đầu tư mô hình nuôi gà và lợn bản dễ thực hiện, ít khi gặp dịch bệnh, tiêu thụ dễ dàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh liền đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi hơn 20 con heo, 50 con gà, vịt. Vừa làm, anh vừa tìm hiểu thêm thông tin, kiến thức về khoa học kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp, thú y xã, qua sách báo, ti vi và các lớp tập huấn tại địa phương để có thêm kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, phòng, trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Với đầu ra ổn định, hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình anh Cùm mang lại nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Nhìn rừng gỗ dễ trồng, chăm sóc và phát triển nhanh, chăn nuôi heo, gà mang lại lợi nhuận cao nên người dân trong thôn cũng tìm đến học tập kinh nghiệm, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để làm theo. Không chỉ tuyên truyền, vận động bà con làm theo mình, anh Hồ Văn Cùm luôn nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, nhất là phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bà con nắm bắt và áp dụng. Ở thôn Phú Thiềng nhiều người nhờ học hỏi kinh nghiệm của anh Cùm hay được anh tuyên truyền, hướng dẫn cách thức đã có việc làm, thu nhập tốt hơn. Toàn thôn hiện có 112 hộ, 467 nhân khẩu, số hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, ngày càng xuất hiện nhiều hộ có thu nhập cao, không còn hộ nào đói ăn, con em trong thôn được đến trường, được chăm sóc y tế đầy đủ.
Không chỉ vận động bà con tham gia phát triển kinh tế, anh Hồ Văn Cùm còn tích cực vận động Nhân dân hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới với nhiều hoạt động thiết thực như đóng góp ngày công, hiến đất, cây xanh, vật kiến trúc để mở rộng, nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng; cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự…
Với sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và tấm gương dám nghĩ dám làm của anh Hồ Văn Cùm nên mọi người dân ở thôn Phú Thiềng luôn xem anh như một người “truyền lửa”, đồng thuận và làm theo lời anh. Vì thế, đến nay bộ mặt nông thôn của Phú Thiềng đã có những đổi thay đáng kể, nhất là cơ sở hạ tầng, tư duy làm ăn, phát triển kinh tế của người dân.
Chia sẻ về việc làm của mình, anh Hồ Văn Cùm nói: “Là một cán bộ thôn, ngoài việc tuyên truyền cho người dân nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước thì việc quan trọng là mình phải nghĩ trước, làm trước để người dân mắt thấy tai nghe, từ đó họ tin tưởng và làm theo mình. Thực hiện được điều này thì mới góp phần giúp bà con thay đổi nhận thức, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế để tạo việc làm, thu nhập ổn định; tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới, đoàn kết, tương trợ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn và nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động thi đua để xây dựng thôn Phú Thiềng ngày càng phát triển”.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc