Ấm áp ngày hội trên tinh thần đoàn kết và sự sẻ chia

Thứ năm - 26/11/2020 19:01 1.626 0
(QTO) - Càng gần đến ngày 20/11, trên các diễn đàn mạng xã hội, trong những câu chuyện gia đình, bạn bè, đặc biệt là dưới những mái trường, chủ đề tri ân thầy cô càng trở nên sôi nổi. Mỗi người, bằng cách này hay cách khác, đều muốn dành những món quà ý nghĩa nhất, những lời chúc tốt đẹp nhất gửi đến thầy, cô giáo.

Nhưng đối với những thầy cô giáo trên dải đất miền Trung, trong đó có Quảng Trị, trong niềm hân hoan của những ngày tri ân thầy cô năm nay có một nốt lặng, đó là những hậu quả nặng nề mà thiên tai để lại cho ngành giáo dục nói chung, các thầy cô giáo nói riêng. Nhiều thầy cô giáo đón nhận lời chúc mừng mà gương mặt vẫn chưa hết những to toan. Nhiều học sinh miền núi đường đến trường vẫn còn lấm lem bùn đất và bao hiểm nguy rình rập.

 

Trong bối cảnh ấy, công văn thông báo không tổ chức tiếp khách và không nhận hoa, quà chúc mừng nhân kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2020) để dành thời gian cho lãnh đạo sở tổ chức các đoàn về các trường vùng khó tặng quà, động viên các thầy, cô giáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người. Các đợt mưa bão và lũ lụt xảy ra liên tiếp từ tháng 10 - 11/2020 khiến tỉnh Quảng Trị có hơn 310 điểm trường bị ngập lụt, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hư hỏng nặng nề, ước tính thiệt hại 105 tỉ đồng. Sau rất nhiều nỗ lực, phải đến ngày 16/11, trường học cuối cùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) mới khắc phục xong để đón học sinh trở lại trường. Có lẽ vì thế mà khoảnh khắc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương bật khóc, ôm chầm lấy cô hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Việt khi đến thăm một điểm trường của đơn vị này sau trận mưa lũ dài ngày và chứng kiến trường lớp, vật dụng đồ chơi của học sinh bị vùi lấp trong lớp bùn đất đặc quánh đã khiến nhiều người xúc động. Sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người đứng đầu ngành giáo dục với các đơn vị trường học vùng khó, bị thiệt hại nặng nề do thiên tai trong thời gian qua đã làm ấm lòng các thầy cô giáo trong mùa Hiến chương này.

 

Cũng với tâm thế tổ chức ngày kỷ niệm đơn giản, tiết kiệm, không phô trương, hình thức để chia sẻ khó khăn với đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11 (1930 - 2020) của các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt bởi những hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

 

Đã thành thông lệ, vào Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, làng trên, xóm dưới đều tưng bừng lễ hội, liên hoan. Đó thực sự là một ngày hội, góp phần thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Nhưng năm nay, thiên tai gây thiệt hại nặng nề nên các hoạt động mang tính chất nghi lễ cũng như phần “hội” sau “lễ” đều được cắt giảm để tập trung cho hoạt động hướng về cộng đồng như vệ sinh, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, góp công giúp đỡ gia đình khó khăn, gia đình neo người không có sức lao động dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sau bão, lũ; tặng quà hỗ trợ, động viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai… Dù người dân phải đón Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trong một tâm thế “đặc biệt” nhưng không vì thế mà mất đi ý nghĩa của tinh thần đoàn kết. Thực tế cũng chứng minh, càng khó khăn, hoạn nạn, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng thêm gắn bó keo sơn, bền chặt.

 

Thông điệp này bắt đầu từ Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc điểm của tỉnh được tổ chức vào ngày 4/11/2020 tại liên khu dân cư xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Mặc dù có lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và đông đảo người dân tham dự nhưng tại đây đại biểu và Nhân dân liên khu dân cư xã Hải Dương chỉ dành một khoảng thời gian ngắn để cùng nhau ôn lại truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, quê hương, kết quả những phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Tại ngày hội này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng cũng bày tỏ những cảm nhận về tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân xã Hải Dương; chia sẻ với người dân những mất mát, thiệt hại do bão, lũ gây ra và nhấn mạnh, tỉnh luôn quan tâm, đồng hành và hỗ trợ để người dân nhanh chóng khắc phục mọi khó khăn, tái thiết cuộc sống. Phần lễ gói gọn trong vòng khoảng 30 phút, trong đó có việc trao tặng những phần quà ý nghĩa hỗ trợ, những lời thăm hỏi, động viên của lãnh đạo các cấp dành cho những hộ gia đình bị thiệt hại do bão, lũ; hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Phần lễ kết thúc, mọi người nhanh chóng tỏa về các hướng dọn dẹp, vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm và các khu dân cư.

 

Cũng trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc này, xã Hải Dương đã bố trí lực lượng về dọn dẹp vườn tược, sửa sang nhà cửa sau mưa lũ cho gia đình ông Trần Toán (83 tuổi) ở thôn An Nhơn, một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Toán tuổi cao, sức yếu, hai mắt bị mù, sống với người con gái bị bệnh tâm thần nên căn nhà nhỏ sau mưa lũ của hai cha con ông đã khó khăn càng thêm khó khăn. Lãnh đạo địa phương cũng đã đến thăm hỏi, động viên và có những phần quà hỗ trợ thiết thực cho gia đình ông Toán. Không những lời chúc tụng, không tiệc tùng náo nhiệt như mọi năm nhưng tất cả mọi người đều cảm nhận được sự đồng cảm, sẻ chia và nhân lên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, cùng nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn trong ngày hội hết sức ý nghĩa này.

 

Thực tế, vào thời điểm tháng 10/2020, khi tình hình mưa lũ trên địa bàn diễn biến phức tạp, UBMTTQVN tỉnh liên tục ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời mặt trận các cấp tổ chức các hoạt động kỷ niệm vừa đảm bảo được ý nghĩa của ngày hội, vừa phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Hướng dẫn cũng nêu rõ, vì điều kiện khó khăn sau mưa lũ nên các khu dân cư không tổ chức quyên góp tiền để liên hoan sau lễ hội.

 

Chủ động thông báo không tổ chức tiếp khách, nhận hoa và quà nhân kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để chia sẻ khó khăn với các trường học và giáo viên vùng khó của Sở Giáo dục và Đào tạo hay việc sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương chủ động cắt bỏ những lễ nghi, chương trình không cần thiết trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020 của UBMTTQVN tỉnh được xem là những quyết định kịp thời, đúng đắn trong bối cảnh tỉnh đang hứng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân trong toàn tỉnh. Nhiều hoạt động hỗ trợ người dân cũng như giáo viên, học sinh bị thiệt hại do thiên tai được linh động bố trí một cách thiết thực từ các ngày lễ kỷ niệm trong các trường học hay ở các khu dân cư trong những ngày qua đã lan tỏa hơn tình yêu thương, tinh thần đoàn kết đến mọi người, mọi nhà. Qua đó, khơi dậy những truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc và thắt chặt hơn nữa tình làng, nghĩa xóm, khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới.

 

 

Tác giả bài viết: Lâm Thanh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây