Sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư cấp xã - “Thấu tình, đạt lý”. Bài 1: Tạo sự đồng thuận trong tinh gọn bộ máy

Thứ năm - 23/03/2023 14:40 93 0
QTO - Qua 3 năm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) theo Nghị quyết 832/NQUBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết 832) cho thấy công tác này đã bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước. Quá trình thực hiện phương án sắp xếp ĐVHC được tính toán thận trọng, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
Xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng tinh gọn bộ máy sau thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp xã - Ảnh: T.T
Xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng tinh gọn bộ máy sau thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp xã - Ảnh: T.T

Sau khi giảm 16 đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 258 cán bộ, công chức (CBCC) dôi dư sau sáp nhập. Đến hết năm 2022, tỉnh đã giải quyết chế độ, chính sách cho 137 người. Theo quy định, đến 31/12/2024, tỉnh phải hoàn thành việc giải quyết CBCC dôi dư đối với 121 người còn lại.

Bài toán khó đặt ra

Tại Quảng Trị, việc sắp xếp ĐVHC thực hiện đồng thời với thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐCP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về CBCC cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Do đó số lượng CBCC cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư khá lớn, gần 600 người.

Sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư cấp xã - “Thấu tình, đạt lý”. Bài 1: Tạo sự đồng thuận trong tinh gọn bộ máyXã Hải Hưng, huyện Hải Lăng tinh gọn bộ máy sau thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp xã - Ảnh: T.T

Sau sắp xếp ĐVHC, huyện Hải Lăng giảm từ 20 xã, thị trấn xuống còn 16 xã, thị trấn. Số CBCC dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính là 72 người. Trong giai đoạn 2020 - 2022, UBND huyện Hải Lăng đã sắp xếp, bố trí 41 CBCC dôi dư, bao gồm nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc, tuyển dụng vào công chức cấp huyện, điều động đến các xã, thị trấn không sắp xếp ĐVHC và giải quyết theo hình thức khác. Như vậy tính đến tháng 12/2022, còn 34 CBCC cấp xã dôi dư chưa được giải quyết. Trong đó, xã Hải Hưng là địa phương có số CBCC dôi dư nhiều nhất huyện với 10 người.

Thực hiện sắp xếp đội ngũ CBCC dôi dư, Đảng ủy, UBND xã, mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị ở địa phương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, lựa chọn, bố trí cán bộ đúng phẩm chất, năng lực và được tín nhiệm cao với tinh thần khách quan, minh bạch. “Cái khó của địa phương là hầu hết CBCC trong diện sắp xếp dôi dư đều có tuổi đời trẻ, đáp ứng yêu cầu về mặt chuyên môn, người lớn tuổi nhất cũng phải đến năm 2028 mới nghỉ hưu theo chế độ.

Ngoài chính sách của trung ương về tinh giản biên chế, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ đối với CBCC nghỉ việc do dôi dư, nhưng mức hỗ trợ còn thấp nên chưa khuyến khích CBCC tự nguyện thực hiện chính sách tinh giản”, Bí thư Đảng ủy xã Hải Hưng Cáp Hữu Chiểu chia sẻ.

Với tổng số 64 CBCC dôi dư do sáp nhập ĐVHC, từ năm 2019 đến nay, huyện Gio Linh đã giải quyết được 46 CBCC. Chủ tịch UBND xã Phong Bình Nguyễn Đức Sâm cho biết: “Thực hiện việc sắp xếp CBCC cấp xã dôi dư, địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, tuy vậy để địa phương chủ động thực hiện điều động là rất khó.

Do đó, UBND xã đã đề nghị Phòng Nội vụ huyện xem xét tham mưu UBND huyện quyết định điều động. Hiện tại, UBND xã Phong Bình còn dôi dư 1 công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, 1 đồng chí giữ cương vị phó bí thư đảng ủy. Theo lộ trình đến năm 2024, xã phải hoàn thành việc sắp xếp cán bộ dôi dư theo chủ trương chung”.

Linh hoạt cách làm hiệu quả

Xác định việc sắp xếp CBCC dôi dư cấp xã là công việc không thể trì hoãn, các địa phương đã nêu cao trách nhiệm của các hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động CBCC nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ hoặc chuyển công việc khác.

Chị Lương Thị Quỳnh Nga, hiện là công chức tư pháp - hộ tịch thị trấn Gio Linh nhớ lại, khi tiến hành sắp xếp ĐVHC cấp xã, xã Phong Bình có 3 công chức dôi dư. Ban đầu ai cũng tâm tư, bởi tâm lý phải thay đổi chỗ làm, cách xa nhà nên khi được vận động thì đều có nguyện vọng muốn ở lại.

“Sau nhiều lần được Đảng ủy xã, lãnh đạo UBND xã vận động, với sự sắp xếp của huyện, tôi đồng tình với phương án đến công tác tại UBND xã Trung Hải. Bản thân tôi đã sẵn sàng đến nhận nhiệm vụ ở địa phương mới, dù cũng không ít khó khăn khi phải đi lại quãng đường xa hơn.

Tuy nhiên, với phương châm của huyện là tối ưu việc sắp xếp, luân chuyển CBCC dôi dư, tạo điều kiện thuận lợi cho CBCC trong diện luân chuyển được về công tác ở nơi gần nhà nhất, tôi được điều chuyển đến công tác tại UBND thị trấn Gio Linh, ngay địa bàn sinh sống. Trong đợt điều động công chức của xã Phong Bình, cũng có người phải luân chuyển đến nơi làm việc cách xa nhà gần 20 km”.

Tại thời điểm sáp nhập, các xã của huyện Gio Linh cơ bản đều bố trí chức danh chủ tịch HĐND xã chuyên trách, bố trí 2 phó bí thư phụ trách công tác đảng, 2 phó chủ tịch UBND xã, mỗi chức danh công chức cơ bản đều dôi dư từ 1-3 người. Huyện Gio Linh đã thực hiện bố trí, sắp xếp số CBCC dôi dư cấp xã trên cơ sở trình độ, năng lực, sở trường công tác của từng người, từng đơn vị.

Đồng thời, đã tiến hành vận động CBCC nghỉ hưu trước tuổi đối với những người đủ điều kiện. Năm 2022, huyện Gio Linh đã xây dựng kế hoạch và thực hiện bố trí, sắp xếp giải quyết dôi dư cho 10 CBCC cấp xã (vượt so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao mỗi năm giải quyết 30% cán bộ, công chức dôi dư).

Để từng bước giải quyết CBCC cấp xã dôi dư, trong thời gian qua, huyện Hải Lăng đã quyết liệt triển khai các phương án, bố trí các chức danh CBCC còn thiếu, trong đó ưu tiên nguồn nhân sự là các CBCC cấp xã hiện có đảm bảo tiêu chuẩn.

Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết, giai đoạn 2022 - 2024, có 8 CBCC cấp xã nghỉ hưu, 1 trường hợp nghỉ hưu vào ngày 1/1/2025, như vậy là sẽ giải quyết được thêm 9 trường hợp dôi dư. Huyện tiếp tục đề xuất Sở Nội vụ điều động các công chức dôi dư đến các huyện, thị xã, thành phố còn thiếu biên chế.

Từ thực tế tại một số địa phương có thể thấy, việc bố trí công việc cho CBCC sau khi sắp xếp ĐVHC là vấn đề khó khi số lượng đội ngũ dôi dư nhiều, trong khi yêu cầu vị trí công việc phải phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy năng lực.

Kinh nghiệm của nhiều nơi thực hiện tốt công tác cán bộ cho thấy, các khâu chuẩn bị cần được tiến hành chu đáo, đặc biệt là ổn định tư tưởng, tâm lý, tạo sự đồng thuận, quá trình triển khai nhờ vậy sẽ thuận lợi, không để dây dưa, kéo dài. Đồng thời, cần kết hợp hài hòa các giải pháp như vận động, luân chuyển cán bộ, giải quyết chế độ hưu trí, quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi của nhân sự thuộc diện tinh giản...

Thanh Trúc

Bài 2: Giải quyết chế độ thỏa đáng cho cán bộ, công chức dôi dư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây