Thủ tướng Chính phủ: Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân là trên hết

Thứ ba - 27/09/2022 01:50 225 0
(QTO) - Sáng nay 27/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru). Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự cuộc họp tại điểm cầu Quảng Trị. Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão, gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương khẩn trương, chủ động trong công tác phòng chống bão số 4 (Ảnh: VGP).
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương khẩn trương, chủ động trong công tác phòng chống bão số 4 (Ảnh: VGP).
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các địa phương đã báo cáo với Thủ tướng về công tác phòng, chống bão số 4. Hầu hết, các địa phương đều đã chủ động lên phương án ứng phó, triển khai đồng bộ các biện pháp để chủ động phòng, chống bão, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
 
Những ngày qua, các địa phương đã hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động di chuyển, tránh trú; gia cố, di dời 4.500 lồng bè thủy sản; lên kế hoạch và tiến hành sơ tán trên 100.000 hộ với gần 400.000 dân tại các vùng nguy cơ cao.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự cuộc họp tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Trần Tuyền
 
Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết huyện có hơn 660 tàu thuyền các loại đã vào khu neo đậu an toàn, không còn ngư dân trên biển. Hơn 1.700 hộ hơn 6.000 nhân khẩu đã có phương án di dời. Học sinh nghỉ học từ chiều ngày 27/9.
 
Lãnh đạo huyện Triệu Phong báo cáo tình hình phòng, chống bão với Thủ tướng - Ảnh: Trần Tuyền
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định, các tỉnh đã nghiêm túc triển khai công tác phòng chống bão. Đồng thời thông tin, trên biển còn 9 tàu đang di chuyển về phía Nam vào nơi an toàn, nhưng 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phải quyết liệt, tích cực hơn bởi không loại trừ khả năng ngư dân sẽ đánh bắt khi thấy cá nhiều do bão.
 
Cùng với đó, hết sức quan tâm, phát hiện, kịp thời xử lý các nguy cơ sạt lở đất, các vấn đề vận hành liên hồ chứa, hồ thủy lợi, đập thủy điện… giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống, không để địa điểm nào bị cô lập do mất thông tin liên lạc.
 
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp,  cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế. Vì vậy, công tác phòng, chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để chủ động chuẩn bị.
 
Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh.
 
Cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
 
Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão - Ảnh: Trần Tuyền
 
Thời gian không còn nhiều, các bộ ngành, địa phương liên quan từ tỉnh tới cấp huyện, cấp xã phải rà soát lại và tiếp tục triển khai ngay các công việc. Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.
 
Việc sơ tán dân, nhất là vùng ven biển phải hoàn thành sớm nhất thể, trước khi bão đổ bộ. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, cần thiết thì cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân. Không để người dân ở lại trên lồng bè, tàu thuyền, khu vực không an toàn, rất khó khăn khi ứng cứu trong lúc bão đổ bộ và nguy cơ cao thiệt hại.
 
Các địa phương, các lực lượng chức năng như công an, quân đội bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân. Rà soát tàu thuyền, liên hệ tới từng chủ tàu, không để tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn; rút kinh nghiệm từ ứng phó các cơn bão trước đây khi hàng trăm tàu thuyền hư hỏng do va chạm trong lúc neo đậu...
 
      
 

Tác giả bài viết:     Trần Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây