Dự án GMS được triển khai trên địa bàn thành phố Đông Hà và 2 thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh (huyện Hướng Hóa)- là các đô thị nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Dự án tập trung thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự chuyển đổi các hành lang kinh tế thông qua việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị có tính ưu việt, góp phần nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội trong Tiểu vùng sông Mê Kông.
Đây cũng chính là nguồn lực đầu tư có sức tác động mạnh mẽ để thành phố Đông Hà và thị trấn Lao Bảo trở thành đô thị năng động trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Quảng Trị. Trong quá trình thực hiện hoạt động giải phóng mặt bằng- tái định cư của dự án cần thiết phải có hoạt động giám sát để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà tài trợ cũng như đảm bảo tính minh bạch, công khai và nâng cao việc giải trình trách nhiệm, hạn chế thấp nhất rủi ro phát sinh…Ban Thường trực UBMT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở KH&ĐT, Ban quản lý dự án GMS và UBMT các cấp tổ chức thành lập và đi vào hoạt động các Tổ GSND.
Tại thành phố Đông Hà thành lập được 29 Tổ GSND với 111 thành viên, thực hiện giám sát tất cả các phường trên địa bàn có công trình xây dựng của dự án GMS như: Tuyến đường phường 2 đi Đông Lễ, Đông Lương; đường Hoàng Diệu (phường Đông Giang)... Quá trình hoạt động, các Tổ GSND tại thành phố Đông Hà đã tiến hành các hoạt động giám sát như: Khảo sát, kiểm đếm thiệt hại; giám sát việc chấp hành đúng chủ trương, chính sách của dự án; công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bàn giao mặt bằng; quá trình khiếu nại, giải quyết khiếu nại; thực hiện quy trình trong công tác giải phóng mặt bằng; việc thực hiện các hoạt động phục hồi sinh kế.
Thông qua các hoạt động trên, các Tổ GSND tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cộng đồng, người dân thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi dự án GMS; đối chiếu với các tài liệu để xem xét, theo dõi các đơn vị liên quan có trách nhiệm trong việc thực hiện những việc thuộc phạm vi giám sát của Tổ GSND; phát hiện những việc làm tiêu cực, gây xâm hại đến lợi ích cộng đồng thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi dự án trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó; chất vấn, trao đổi với các đối tượng chịu sự giám sát nếu thấy cần thiết; kiến nghị trực tiếp bằng văn bản đến chủ đầu tư về các vấn đề liên quan trong quá trình giám sát…
Các Tổ cũng giải thích, tuyên truyền, vận động nhân dân biết thêm một số thông tin về dự án, quy định của Nhà nước, của tỉnh để biết từ đó chấp nhận các phương án đo đạc, kiểm đếm, áp giá, hỗ trợ, đền bù đi đến giao mặt bằng sạch để tiến hành thi công các công trình của dự án. Qua 2 năm triển khai thực hiện, nhiều Tổ GSND đã thực hiện tốt hoạt động giám sát của mình, được Ban Quản lý dự án GMS, Trung tâm Phát triển quỹ đất các cấp và UBMT cấp xã, phường, thị trấn đánh giá cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các Tổ GSND vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Sự thay đổi số hộ bị ảnh hưởng và số hộ cần tái định cư có tăng lên; sự thay đổi khung chính sách, thủ tục, tiến độ, một số quy định về quy cách, giá trị để áp giá đền bù chưa hợp lý; một số trường hợp chưa đúng tên, diện tích của chủ sở hữu mà từ trước đến nay chưa được điều chỉnh, giải quyết; một số hộ dân do đi làm ăn xa thiếu hợp tác hoặc yêu cầu giá bồi thường cao hơn mức quy định… cần được các bên liên quan phối hợp giải quyết trong thời gian tới.
Dịp này, Sở KH&ĐT tặng giấy khen cho 4 tập thể và 5 cá nhân thuộc các Tổ GSND trên địa bàn thành phố Đông Hà đã có nhiều thành tích trong hoạt động giám sát.
Tác giả bài viết: Đức Việt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc